Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến hậu cần chiến lược, là hậu phương của chiến trường miền Nam, mà còn là tuyến vận tải đảm bảo chi viện đắc lực cho chiến trường Lào và Campuchia. Các chiến sĩ Trường Sơn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, làm nên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong ký ức của Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam, con đường Trường Sơn gian khổ, ác liệt, song cũng đầy vinh quang và tự hào: “Chiến trường lớn phải tập trung mở đường, chi viện phải có đường, có ô tô, lương thực, vũ khí, đạn dược. Có tới 2,5 triệu thanh niên xung phong, hàng chục lượt các đơn vị từ cấp trung đoàn, sư đoàn bổ sung, chi viện cho chiến trường miền Nam”.

Thiếu tướng Võ Sở cho biết, địch tập trung đánh phá ác liệt trong 10 năm, từ năm 1965 - 1975, không quân Mỹ đã thả xuống đường Trường Sơn trên 4 triệu tấn bom đạn đủ loại, gấp đôi tổng số bom đạn dùng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trước tình hình đó, Bộ đội Trường Sơn huy động toàn bộ lực lượng, tổ chức thành các binh chủng, bộ đội xe, công binh, bộ đội pháo... xác định tư tưởng quyết tâm đánh địch, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
“Nhân dân Việt Nam là một nước rất kiên cường, dũng cảm chống ngoại xâm. Suốt cả chiều dài lịch sử, cả dân tộc phát huy sức mạnh toàn dân, cả nước lên đường chống Mỹ. Địch mạnh nhiều bom đạn, máy bay, vũ khí, đạn dược nhưng không thể rải khắp cả chiến trường rộng lớn được” - Thiếu tướng Võ Sở khẳng định.

Bộ đội Trường Sơn đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Đường Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ và ngày càng vươn sâu đến các mặt trận, các chiến trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam và giúp cách mạng hai nước Lào, Campuchia.
Từ năm 1973-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn binh chủng trực thuộc; quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn 1 vạn thanh niên xung phong.

Bà Nguyễn Thị Thu Yến, Phó Ban công tác nữ Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 16 Thông tin, Bộ tham mưu, Bộ Tư Lệnh Trường Sơn nhớ lại: “Có những công văn hỏa tốc Bộ tư lệnh đưa gấp xuống các đơn vị. Tôi trực tiếp làm nhiệm vụ đó. Tháng 3 tham gia chiến dịch, đơn vị ở Gio Linh, Bộ tư lệnh chuyển đến đâu thì chúng tôi đi tới đó, chuyển công văn, văn kiện hỏa tốc tới tận tay cho các thủ trưởng tham gia phục vụ chiến dịch”.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng bảo đảm đưa các quân đoàn, sư đoàn chủ lực của ta vào chiến trường để làm nên Đại thắng mùa Xuân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến công ấy là một kỳ tích vĩ đại của dân tộc ta, là niềm tự hào của Bộ đội Trường Sơn cùng hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân các dân tộc trên dãy Trường Sơn.
Với những người lính cựu, kỷ niệm 65 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn là dịp ôn lại lịch sử hào hùng của những con người một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đồng thời giáo dục thế hệ sau về lòng biết ơn, niềm tự hào với quá khứ oanh liệt, vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn.
Nhân kỷ niệm 65 năm “Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” năm nay, Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1971-1975”.
Đại tá Vũ Trình Tường, Trưởng ban lịch sử Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết: “Hội phát động thi đua toàn quốc; các tổ chức thành viên của Hội tổ chức kỷ niệm 65 năm; Hội thảo của Bộ đội Trường Sơn...Chúng tôi có sự chuẩn bị kỹ càng, phối hợp chặt chẽ các đơn vị Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Binh đoàn 12 và Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam”.

Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn, các cấp Hội Trường Sơn đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, thăm lại chiến trường xưa, các hoạt động nghĩa tình, thăm hỏi, tặng quà các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công...và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
65 năm “Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” đã tiếp tục khơi dậy, phát huy những phẩm chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới./.
# Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 – “Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt”, do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho cách mạng miền Nam.
# Năm 1965, Đoàn 559 trở thành Bộ Tư lệnh 559. Từ thời điểm này, Bộ Tư lệnh 559 đã chuyển từ vận chuyển chi viện cho chiến trường bằng gùi thồ sang vận chuyển chủ yếu bằng cơ giới.
# Ngày 29/7/1970, Bộ Tư lệnh 559 phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Từ đây, Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn trải rộng trên địa bàn của 11 tỉnh Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh đông bắc Campuchia, thống nhất chỉ huy các lực lượng của Việt Nam hoạt động ở Trung và Hạ Lào.
# 16 năm chiến đấu anh dũng, Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…