7 giờ sáng, tại trạm ứng phó khẩn cấp thuộc Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam (TP.HCM), tin cảnh báo tràn dầu từ vụ va chạm hai tàu ở mũi An Thạnh, Cần Giờ vừa được phát ra. Trong vòng vài phút, hàng chục công nhân, xe chuyên dụng, thiết bị xử lý đã lên đường.

Ngay khi có mặt, ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam trực tiếp chỉ huy tại hiện trường.

“Triển khai đồng loạt, quyết liệt, xử lý nhanh nhất vùng dầu bám gốc cây trong rừng ngập mặn, không để dầu thấm ra nước”, ông Sơn chỉ huy.

Trong mùi dầu khét nồng, với bộ đồ bảo hộ chống dầu bám kín mít, các “chiến binh SOS” như anh Lê Quang Phục, anh Bắc, anh Hùng... lần lượt lao vào tâm sự cố, với quyết tâm giành giật từng phút vàng trong những giờ đầu tiếp cận, liên tục đổi ca trong 24 giờ.

Vụ tràn dầu Cần Giờ năm 2025 chỉ là một trong hơn 200 sự cố môi trường mà ông Sơn đã trực tiếp chỉ huy xử lý trong suốt 25 năm qua. Từ tràn dầu, hóa chất độc hại đến ô nhiễm ngầm, không nơi nào vắng bóng ông.

“Ai cũng có một trục giá trị để sống và làm việc. Trục của tôi là lòng biết ơn. Biết ơn đối với tạo hóa, đối với thiên nhiên và những giá trị được ban tặng. Mỗi việc tôi làm đều là để trả ơn”, ông Sơn chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Phóng viên VOV2.

Tình yêu và trách nhiệm với thiên nhiên theo ông Sơn khởi nguồn từ ký ức tuổi thơ: “Hồi nhỏ, chúng tôi vẫn ra sông múc nước uống, tắm giếng trong vắt. Giờ nghĩ lại, thật giống như chuyện cổ tích. Thiên nhiên đã biến đổi quá nhanh do con người”.

Chính những hoài niệm đó khiến ông Sơn dành trọn cuộc đời để giữ lại những giá trị đang dần mai một. Dù nhiều lần bị cho là “gàn dở” vì làm những việc không mang lại nhiều lợi ích kinh tế, ông vẫn kiên trì.

25 năm qua, ông Sơn đi qua hàng nghìn km, hàng trăm ca xử lý từ sông Kinh Thầy, sông Đà, Cù Lao Chàm, Cần Giờ đến Ninh Vân… Trong mùi bùn đất với tiếng sóng biển, ông lặng lẽ làm công việc của một “bác sỹ cấp cứu” cho thiên nhiên.

Một phần tư thế kỷ trôi qua, hàng nghìn chuyến ra hiện trường. Không ánh hào quang, môi trường làm việc khắc nghiệt, chỉ có bùn, dầu với những âm thanh của sóng biển, của bộ đàm, tiếng bước chân.

Và câu chuyện của ông không chỉ dừng lại ở hiện trường. Ông trực tiếp lên giảng đường TEDx, trường Đại học Sư phạm, Đại học Nông Lâm… chia sẻ câu chuyện từ dầu loang để đánh thức giới trẻ hãy hành động.

PGS.TS Đỗ Thị Lan (Trưởng khoa Môi trường, ĐH Nông Lâm Thái Nguyên) nhấn mạnh: “Ông Sơn trực chiến trong mưa bão, chỉ huy xử lý trong những giờ phút sinh tử. Sinh viên sau khi nghe chia sẻ đã chọn làm khóa luận về ứng phó, xin thực tập tại Trung tâm”.

Trong giới khoa học và kỹ thuật Việt Nam, không dễ để một chuyên gia thực địa được nhắc đến với sự trân trọng đặc biệt từ các nhà học thuật. Nói về ông Phạm Văn Sơn, người dành trọn đời cho công cuộc ứng phó sự cố môi trường, GS.TSKH Đặng Vũ Minh (Chủ tịch danh dự Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và TS. Hoàng Dương Tùng (Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam) đều ghi nhận: Ông Phạm Văn Sơn không chỉ có chuyên môn sâu, kỹ năng điều hành mà còn có tâm huyết lớn. Trung tâm SOS do ông sáng lập hoàn toàn tự lực, không có kinh phí nhà nước.

Với hơn 100 trạm ứng phó trên cả nước, ông Sơn vẫn khiêm tốn: “Tôi chỉ muốn cảm ơn những người lính SOS. Chúng ta làm việc có thu nhập, nhưng quan trọng hơn là cùng nhau làm điều có ý nghĩa với cộng đồng”.

Những con người như ông Sơn là lý do để thiên nhiên còn cơ hội được bảo vệ và tốt dần lên.

Nếu có 60 giây để gửi một thông điệp về môi trường, ông Sơn nói: “Chúng ta cần hành động, bảo vệ thiên nhiên như một cách trả ơn. Cho đi điều gì, sẽ nhận lại điều đó”.

Có những người chọn đi về phía ánh đèn sân khấu, có những người lại lặng lẽ đi về phía vết dầu loang, nơi thiên nhiên đang kêu cứu. Ông Phạm Văn Sơn là một trong những người như thế./.