Nghe chương trình tại đây:

Nâng công suất đón đầu nhu cầu tăng trưởng điện

Trạm biến áp 220kV Nam Cấm, Nghệ An đóng điện ngày 21/12/2024. Đây là một trong những điểm nút quan trọng trong hệ thống truyền tải điện của khu vực Bắc Trung Bộ.

Công trình lắp đặt máy biến áp thứ hai tại trạm 220kV Nam Cấm, do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, giao Công ty Truyền tải điện 1 quản lý, nhằm đón đầu nhu cầu tăng trưởng điện trong giai đoạn tới.

Mục tiêu không chỉ đảm bảo cung cấp điện ổn định cho tỉnh Nghệ An và vùng lân cận mà còn phục vụ cho các khu kinh tế mới như WHA Industrial Zone 1 và 2 – điểm sáng thu hút FDI của vùng Bắc Trung Bộ.

"Tổng công suất 500MVA sau khi lắp đặt máy biến áp AT1 sẽ giúp vận hành trạm trong chế độ N-1, tức là khi một thiết bị gặp sự cố, hệ thống vẫn vận hành ổn định"- anh Phan Văn Đức, trạm trưởng cho biết. Đây là yêu cầu tối thiểu để đảm bảo độ tin cậy cho khu công nghiệp lớn, không bị gián đoạn nguồn điện – yếu tố sống còn trong sản xuất công nghiệp quy mô lớn.

Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kỹ thuật, dự án còn góp phần giảm tổn thất điện năng trong lưới điện truyền tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN và tạo ra mối liên kết liền mạch giữa các khu vực trong hệ thống điện Việt Nam.

Lắp đặt máy biến áp thứ hai tại trạm Nam Cấm không chỉ là câu chuyện về kỹ thuật, mà còn là tầm nhìn chiến lược và trách nhiệm của ngành điện

Đảm bảo cấp điện an toàn trong mọi thời tiết

Để những con số kia trở thành dòng điện ổn định đưa đến từng khu công nghiệp, từng nhà máy, là công sức của các kỹ sư vận hành – những người được mệnh danh là “lính gác nguồn điện quốc gia”.

Dù mưa giông hay nắng nóng, họ vẫn ngày đêm có mặt tại trạm, trực 24/24 để giữ nhịp vận hành không ngừng nghỉ.

"Hiện tại trạm có 13 cán bộ nhân viên, chia làm ba ca trực mỗi ngày. Mỗi ca trực 2 nhân viên vận hành và một bảo vệ", trạm trưởng thông tin.

Gian khó nhất vẫn là mùa mưa bão, thời tiết bất thường có thể đánh gục bất cứ hệ thống điện nào. Lúc ấy, bản lĩnh nghề và sự bình tĩnh là điều giúp họ vượt qua nguy cơ.

"Sấm chớp, mưa gió rất nguy hiểm. Nhiều khi giông sét đột ngột mình không lường trước được", anh Dương Văn Tiến, trực phụ nói.

Với hệ thống truyền tải điện cao áp, mưa lớn kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến nền móng thiết bị, mà giông sét còn là mối đe dọa trực tiếp đến an toàn thiết bị điều khiển, rơ-le bảo vệ và tính mạng của người vận hành.

"Trạm được thiết kế thi công có đầy đủ chống sét cho trạm và đường dây, mình phải nắm vững thiết bị khi có sự cố bất ngờ cũng sẵn sàng xử lý được tốt nhất" - kinh nghiệm trong nghề luôn nhắc anh Tiến nghiêm túc theo dõi thiết bị trong từng ca trực.

Mùa hè năm 2025 được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo là có nguy cơ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan, bao gồm các đợt mưa lớn diện rộng, giông lốc kèm sét xảy ra bất thường. Đặc biệt là khả năng mưa lũ lớn cục bộ, cường suất lớn sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn ở tất cả vùng miền, không chỉ ở vùng núi mà cả đồng băng và trung du.

Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đã có công điện gửi các đội truyền tải điện trực thuộc về việc tập trung ứng phó nguy cơ mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt và chủ động phòng chống thiên tai trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Sỹ Thắng - đội trưởng Đội truyền tải điện Nghệ An cho biết, trước mùa mưa bão, đơn vị đã thực hiện lập các phương án chi tiết cho các đường dây và trạm biến áp trên cơ sở thực tiễn của địa phương.

"Trước mùa mưa lũ hàng năm, chúng tôi đã thực hiện lập kế hoạch sửa chữa lớn và và sửa chữa thường xuyên đối với các hạng mục có nguy cơ xói lở trong mưa lớn hoặc nguy cơ đổ trong quá trình bão. Khối đường dây thì đi vét các rãnh thoát nước để bảo đảm khi mưa lớn, nước không đổ vào các móng cột", ông Thắng trả lời VOV2.

Công điện của Công ty Truyền tải điện 1 đã yêu cầu các đơn vị phải lập phương án ứng phó riêng cho từng vị trí xung yếu, phủ bạt, lái dòng chảy, gia cố móng cột.

Các cột 500kV thường ở vùng núi cao, địa hình hiểm trở. Vậy nên các đơn vị ngoài việc kiểm tra, đánh giá nguy cơ sạt lở còn chuẩn bị các phương án như bạt che phủ để nước không đổ vào móng cột và chảy xuống taluy âm.

"Đối với vị trí nguy cơ nghiêng đổ thì đơn vị đã lập phương án và chuẩn bị dây cáp để chằng néo", ông Thắng thông tin. Năm nay đội truyền tải điện Nghệ Nghệ An đã nhận thêm hai tuyến đường dây mới là đường Nậm Mô - Tương Dương và Nậm Sum - Nông Cống.

Mỗi đường dây điện, mỗi trạm biến áp là một hệ tuần hoàn sống của đất nước. Nhưng phía sau những chỉ số công suất, tần số, điện áp ấy… là con người. Để không bị gián đoạn nguồn điện, tại các tổ/ trạm luôn đảm bảo nhân lực ứng trực tại chỗ để phối hợp xử lý sự cố xảy ra./.