Nghe chương trình tại đây:

Chiếc flycam bay lên khỏi mặt đất, anh Phạm Vũ Dũng đội Truyền tải điện Sóc Sơn (Truyền tải điện Đông Bắc 3) và đồng nghiệp chăm chú nhìn vào màn hình. Hình ảnh mà thiết bị quay chụp gắn trên flycam đưa về rõ nét.

"Hàng tháng chúng tôi đi kiểm tra đường dây. Trước đây nhóm công tác 2 người vào tận cột kiểm tra, thậm chí leo lên cột để kiểm tra hành lang. Hiện tại có flycam thì nhóm công tác chỉ cần đứng dưới và điều khiển bay dọc tuyến", anh Phạm Vũ Dũng cho biết.

Mỗi lần cất cánh, flycam đạt ngưỡng bay khoảng 20 phút. Thời gian quý báu này được anh Dũng mô tả là tương đương với ê kíp 2-3 người trong một buổi làm việc vài giờ đồng hồ.

Các hạng mục kiểm tra bao gồm: phụ kiện chống sét, cáp quang, sứ, thanh cột, sạt lở móng hay có sự xâm phạm, an toàn hành lang lưới điện (cây cối và các công trình xây dựng). "Khi phát hiện khiếm khuyết chúng tôi ghi nhận và báo về đơn vị để lên kế hoạch sửa chữa", nhóm công tác cho biết.

Những thiết bị như flycam, máy soi phát nhiệt cầm tay…không chỉ thúc đẩy tăng năng suất lao động mà còn giảm sức người trong những phần việc nặng nhọc như leo trèo cột. Theo anh Dũng, thao tác trên cao cách mặt đất vài chục mét, không chỉ đòi hỏi sức khỏe, tay nghề chuyên môn mà còn là đức tính cẩn trọng, ai bước vào nghề này cũng là rèn cho mình sự kiên nhẫn và cẩn thận.

Tính an toàn lao động còn gắn vào tên gọi của nghề, đó là "nghề 2 dây": dây tiếp địa và dây an toàn. "Làm việc theo quy trình an toàn cả rồi, bao giờ cũng phải đầy đủ phiếu, leo cột phải có dây 2 móc. Nếu mình tuân thủ đúng quy trình an toàn thì không có vấn đề gì cả", anh Dũng khẳng định.

Còn với công nhân trực trạm, việc đảm bảo trực 3 kíp trong ngày gắn liền với cuộc đời làm việc của họ. Nghĩa là, ai cũng thức cùng với dòng điện Tổ quốc, ngày ngày chăm chú nhìn màn hình theo dõi từng ngăn lộ, từng máy biến áp hoạt động. Mỗi kíp gồm 3 người, một tổ trưởng và 2 trực phụ.

Dẫu không phải leo cột như anh em bên đường dây nhưng môi trường làm việc với dòng điện cao thế ngay trên đầu cũng là áp lực không nhỏ. Mỗi khi bước vào ca trực anh Trần Tuấn Đạt – tổ trưởng lại quan sát một lượt, nhắc nhở anh em đáp ứng đầy đủ yêu cầu của an toàn lao động ngành điện.

"Mình phải đánh giá rủi ro và nhắc nhở anh em đảm bảo an toàn. Bởi vì trên lưới đã từng xảy ra vụ nổ máy cắt nên phải mặc mũ - áo chống mảnh văng do công ty trang bị khi đi kiểm tra".

Nguyễn Thị Bích Phượng thuộc thế hệ 9X, là nữ đã hiếm hoi trong nghề này lại còn là lao động trẻ so với tuổi đời các anh em trong trạm. Mái tóc dài ngang lưng luôn được buộc gọn phía sau, quần áo bảo hộ, giày, găng tay luôn được Phượng thực hiện nghiêm chỉnh.

"Công ty trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ cho người lao động như quần áo, mũ, găng tay, giày/ủng. Ở khu vực nguy hiểm thì phải mặc áo chống mảnh văng" - Phượng chia sẻ với VOV2.

Công việc tại các trạm 220kV -500kV lặp lại thường xuyên trong mỗi ca trực: theo dõi chỉ số trên máy, kiểm tra thiết bị...ông Đỗ Nam Bình - trưởng trạm 500kV Hiệp Hòa, Bắc Giang thừa nhận bất kỳ công việc gì lặp đi lặp lại cũng dẫn đến sự nhàm chán, chủ quan.

"Nhưng trong ngành điện một phút lơ là, chủ quan cũng dễ xảy ra sự cố lớn, vì thế ứng xử trong nghề này rất khác". Trạm 500kV Hiệp Hòa vận hành 14 năm đến nay chưa xảy ra những vấn đề liên quan đến an toàn lao động.

Việc phòng tránh những nguy cơ mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình làm việc không phải là "con ngáo ộp" mà luôn hiện hữu trong từng thao tác. Với nghề này, đó là tuân thủ, trách nhiệm để đảm bảo an toàn cao nhất cho con người và thiết bị./.