Theo sử sách ghi lại, nữ tướng Lê Chân sinh ngày mùng 8 tháng 2 năm 20 đầu Công nguyên. Cha bà là Lê Đạo và mẹ là Trần Thị Châu. Cho đến ngày nay, nguồn sử liệu chính thống về thời Trưng Vương nói chung và nữ tướng Lê Chân nói riêng rất hạn chế. Tuy nhiên, trong dân gian những câu chuyện về vị nữ tướng tài ba này vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nữ tướng Lê Chân sinh ra trong bối cảnh đất nước đang chịu ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, cha mẹ của bà đều bị thái thú Tô Định giết hại. Nhằm trả thù cho cha mẹ, đồng thời trốn chạy khỏi sự truy đuổi của Tô Định, bà đã cùng với một số thanh niên trong làng chạy ra vùng ven biển xây dựng lại làng xóm. Chẳng bao lâu nơi đây trở thành một vùng giàu có, được gọi là An Dương, sau này nhân dân nhớ đến công ơn của bà nên đã đổi lại là An Biền. Bên cạnh việc lao động sản xuất, bà đã ngầm liên kết với các hào trưởng nhằm tạo một thế lực mạnh chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

Tiến sĩ Sử học Nguyễn Hữu Tâm cho biết, lúc ấy Lê Chân quyết theo nghiệp võ chống lại quân xâm lược. Bà đã tập hợp được hầu hết nam thanh nữ tú ở vùng An Dương, Hải Phòng để nổi lên chống giặc. Chính lòng căm thù giặc cá nhân cộng với lòng căm thù của cả dân tộc đã tạo nên một nữ tướng tài ba Lê Chân.

Năm 40, nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, bà và toàn bộ nghĩa quân đã gia nhập vào cuộc khởi nghĩa, cùng các nữ tướng như Thánh Thiên, Thiều Hoa, Bát Nạn, Nàng Hội… và các anh hùng hào kiệt bốn phương. Trong cuộc kháng chiến này, nữ tướng Lê Chân cùng với nữ tướng Thánh Thiên được cử làm tướng tiên phong, đi vây đánh phủ Thái thú. Thái thú Tô Định trước sự tấn công của nghĩa quân đã phải bỏ chạy đến quận Nam Hải.

Sau khi giành chiến thắng, triều đại Hai Bà Trưng được thành lập, Trưng Trắc lên làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương. Nữ tướng Lê Chân được phong làm Thánh Chân công chúa, giữ chức Trấn Đông Đại Tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải. Năm Quý Mão (năm 43) triều đại Hai Bà Trưng bị quân Đông Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại. Cánh quân do Lê Chân chỉ huy lui về phía Nam đồng bằng sông Hồng, chọn vùng núi rừng hiểm trở Lạt Sơn (nay thuộc Kim Bảng, Ninh Bình) để làm căn cứ phòng thủ đánh giặc.

Trong trận huyết chiến ác liệt cuối cùng, nữ tướng Lê Chân đã lên núi Giát Dâu gieo mình tự vẫn để khỏi phải sa vào tay giặc. Ông Dương Như Giang ban quản lý di tích đền thờ Lê Chân ở Kim Bảng, Ninh Bình kể lại. "Ngày 13 tháng 7 năm 43 tại núi Giát Dâu, nữ tướng Lê Chân sau khi cánh quân của Mã Viện đã đánh sang thung Đồng Loạn, bà cùng một số tâm phúc lên đỉnh núi Giát Dâu là đỉnh núi cao nhất của căn cứ địa Lạt Sơn và người đã quyên sinh tại đỉnh núi để bảo toàn khí tiết với núi sông".

Những tên đất, tên núi, tên sông, di tích, di vật tồn tại nơi đây vẫn còn đó, gợi nhắc cho các thế hệ hôm nay về nữ tướng Lê Chân cũng như sự tồn tại của căn cứ Lạt Sơn trong lịch sử.

Để khắc ghi, tưởng nhớ công lao to lớn của nữ tướng Lê Chân, người dân Kim Bảng đã thành kính tôn vinh Bà với danh hiệu cao quý: “Đức Thánh Mẫu”, đồng thời tạc tượng và lập đền thờ ở cửa rừng, trên đồi Ông Tượng.

"Vùng Lạt Sơn, Kim Bảng gọi bà là đức Thánh Chân. Tên các thung lũng, núi đồi vẫn còn giữ tên gọi theo thời kỳ của bà dù đã qua 2000 năm. Đến nay vẫn còn 1 tấm bia có hình hổ bay lên, người ta ví đó là hình ảnh bà Lê Chân". TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm cho biết.

Nữ tướng Lê Chân không chỉ là một vị tướng có nhiều công lao trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán giữ yên bờ cõi mà còn là người có công khai khẩn đất hoang và lập nên vùng đất Hải Phòng bây giờ. Chính vì thế ngoài vùng đất Kim Bảng – căn cứ địa khi xưa thờ tự bà, rất nhiều nơi ở Hải Phòng cũng tôn bà làm thành hoàng.

Cho đến ngày nay, nữ tướng Lê Chân là niềm tự hào, một trong những biểu tượng của thành phố Hải Phòng. “Xưa có người con gái/ Quê An Biên, Đông Triều/ Cha thầy thuốc Lê Đạo/ Mẹ là Trần Thị Châu” - Bài đồng dao dễ thuộc, dễ nhớ ấy đã khắc sâu trong tâm khảm người dân thành phố Cảng về một vị nữ tướng tài sắc vẹn toàn, người khai sinh ra trấn Hải, tiền thân thành phố Hải Phòng.