Mường Phăng - địa điểm thứ 3 và là địa điểm cuối cùng đặt cơ quan đầu não của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, bằng tài thao lược quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để làm nên Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
70 năm qua đi, từ đường hầm, lán ở, nơi làm việc của Đại tướng cùng các thành viên Bộ Tổng tham mưu, đài quan sát... của Sở Chỉ huy Chiến dịch năm ấy đến nay vẫn được gìn giữ, bảo tồn vẹn nguyên.
Bao lấy căn cứ địa cách mạng năm xưa là một Mường Phăng với diện mạo mới, những cánh đồng mênh mông, đồi nương xanh màu cây trái; con đường nối dài, rộng mở, dẫn lối tới những bản làng yên bình tựa lưng vào núi, những mái ngói khang trang xen lẫn nếp nhà sàn nhuộm màu thời gian.
Chứng kiến quê nhà “thay da đổi thịt” từng ngày, ông Lò Văn Nụi, nay đã ngoài 80 tuổi không giấu nổi niềm vui, xúc động: "Ngày trước khó khăn lắm, dân Mường Phăng rất vất vả. Năm 1954 giải phóng chúng tôi vui lắm, thuận lợi hơn. Đến nay dân Mường Phăng không có nhà nào túng thiếu, không đói, kinh tế khấm khá hằng năm".
Sự đổi thay của Mường Phăng bắt đầu từ những ruộng lúa 2 vụ, gác lại những ngày phải ăn củ sắn, củ mài qua bữa của bà con. Đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho miền đất này.
Sau chuyến thăm lại Mường Phăng năm 2004, thấy người dân nơi đây phải sống trong cảnh khan hiếm nước sản xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi Chính phủ và các ban, bộ, ngành đề nghị đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng về việc xây dựng hồ chứa thủy lợi Loọng Luông. Năm 2013, hồ Loọng Luông hoàn thành và đưa vào khai thác, cấp nước tưới cho 150ha đất trồng lúa trên địa bàn, mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định tại xã Mường Phăng.
Bà Lò Thị Phanh, bản Che Căn, xã Mường Phăng nhớ lại: "Ngày xưa vất vả, làm ruộng được có một vụ thôi, tháng 6 toàn ăn sắn, củ mài. Bố mẹ vất vả đi làm, tôi không được đi học đâu… Bây giờ nhờ Đảng, Nhà nước đổi mới, phát triển kinh tế thế này tôi rất phấn khởi; ruộng thì có hai vụ; tháng 5, tháng 6 không lo thiếu gạo, thiếu ngô, dân được ấm no rồi".
Niềm tự hào, trân quý đã thôi thúc cấp uỷ, chính quyền và nhân dân Mường Phăng nỗ lực, vượt khó vươn lên. Cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch mạnh mẽ, từng bước phá thế độc canh cây lúa khi phát triển nhiều mô hình chăn nuôi cá, gia súc, gia cầm. Toàn xã hiện có khoảng 520ha lúa 2 vụ; hơn 100 ha nuôi trồng thủy sản; 50ha cây ăn quả...Theo ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, đến nay, toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo trên tổng số 1.200 hộ; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.
Những di tích thuộc Quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ là lợi thế, tiềm năng, cơ hội để Mường Phăng trở thành “địa chỉ đỏ” với du khách gần xa; nhất là trong những ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng cận kề.
Ông Nguyễn Thành Tung cùng đoàn cựu chiến binh đến từ thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: "Hôm nay đoàn thăm lại chiến trường xưa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi rất phấn khởi, ôn lại truyền thống của nhân dân Việt Nam anh hùng, để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên về truyền thống cách mạng và quê hương cách mạng".
Các đoàn khách du lịch đến Mường Phăng giờ đây cũng đã có thể lựa chọn dừng chân tại những bản du lịch cộng đồng, các homestay của chính bà con bản địa để thưởng thức, trải nghiệm thiên nhiên, khám phá bản sắc văn hoá độc đáo của từng dân tộc.
Chị Cà Thị Ún, chủ homestay Cầm Trường, xã Mường Phăng cho biết, sau gần 1 năm đi vào hoạt động, đây là thời điểm gia đình đón lượng khách đông nhất, hầu như ngày nào cũng có khách ghé thăm: "Chúng tôi có phòng cho khách nghỉ, làm đồ ăn, thức uống, thực phẩm do bà con trong bản tự làm ra. Sáng ra có buffet chúng tôi làm theo kiểu người Thái có ngô, khoai, sắn, rau… Ngoài ra khi khách đến, chúng tôi sẽ giới thiệu cho du khách đi tham quan cánh đồng, chạy bộ, leo núi; trải nghiệm những nét đẹp trong phong tục, tập quán của mình.
Du khách đến Mường Phăng giờ đây có thể lựa chọn dừng chân tại những bản du lịch cộng đồng, các homestay của bà con bản địa.
Bản hùng ca trên đất Mường Phăng không chỉ được viết nên từ những dấu tích hào hùng, mà còn bằng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, quyết tâm đưa du lịch thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; hướng đến xây dựng Mường Phăng trở thành đô thị vệ tinh của TP. Điện Biên Phủ trong tương lai không xa./.