Bà Nguyễn Thị Hiến được sinh ra trong một gia đình nghèo, ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ngay từ tấm bé, không chỉ thiếu thốn, cuộc sống của bà còn phải gắn liền với bệnh viện bởi một căn bệnh đến nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi. “Năm nay tôi 58 tuổi rồi. Mắc bệnh tan máu bẩm sinh nên từ bé tôi đã phải đến bệnh viện để được truyền máu. Trung bình, mỗi tháng tôi phải truyền 5 bịch máu”, bà Hiến kể.

Bệnh tật khiến sức khỏe suy giảm nên những ngày không phải tới bệnh viện, bà Hiến cũng không thể làm gì để tạo ra thu nhập. Trong khi đó, chi phí để điều trị với những người mắc bệnh tan máu bẩm sinh như bà là rất lớn. Để duy trì sự sống, gia đình từng phải bán đi những vật dụng có giá trị lấy tiền điều trị. Tuy nhiên, do phải sống chung với bệnh nên dù có bán hết nhà cửa đi chăng nữa cũng sẽ không đủ trang trải. Nhưng thật may mắn, những tưởng sẽ phải ngừng điều trị vì không còn khả năng chi trả thì bà nhận được sự hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm y tế. “Năm tôi 40 tuổi thì tôi có bảo hiểm y tế. Nhờ có chính sách này, tôi mới duy trì sự sống được đến giờ, vì nếu không được hỗ trợ chi trả thì tôi không đủ tiền để trả thốc men, viện phí”, bà Hiến bày tỏ.

Cuộc sống của cháu Nguyễn Kiên Cường - con của anh Nguyễn Chí Chính, ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình cũng gắn liền với Viện huyết học và truyền máu Trung ương gần một năm nay. Anh Chính cho biết gia cảnh rất khó khăn. Một mình anh “gà trống nuôi con”, công việc không ổn định. Phải gắng gượng và chi tiêu tiết kiệm, anh mới lo nổi ngày 3 bữa ăn và cho con tới trường. Vì thế, từ khi con phát hiện bị ung thư máu, anh phải vay mượn khắp nơi để chạy chữa. Dẫu vậy, số tiền vay được cũng chỉ đủ trang trải chi phí đi lại và ăn, ở tại Hà Nội. “Con tôi bị bệnh từ tháng 9/2022. Hầu như hàng tháng tôi cũng phải đưa con xuống Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Đợt nào nhanh nhất là 3 tuần. Chi phí rất tốn kém trong khi nhà thuộc diện hộ nghèo, mẹ bỏ cháu đi từ lúc cháu còn nhỏ. Những ngày đầu đưa con xuống viện, tôi đi vay mượn khắp cả cũng chỉ được 3 triệu đồng để mang theo”, anh Chính chia sẻ.

Anh Chính cho rằng bảo hiểm y tế giống như liều thuốc đặc biệt, giữ nhịp cho trái tim của cháu Nguyễn Kiên Cường. Bởi lẽ, nếu không nhận được sự sẻ chia, hỗ trợ từ chính sách này, rất có thể trái tim của cháu đã ngừng đập vì chi phí chữa trị vượt xa khả năng chi trả của anh. “May có bảo hiểm y tế chi trả 100% tiền viện phí, thuốc men cho cháu thì hai bố con mới duy trì điều trị theo phác đồ của bệnh viện đến giờ. Vì với tôi, mỗi đợt đưa cháu xuống viện, phải lo chi phí ăn, ở, đi lại đã là một sự cố gắng”, anh Cường cho biết.

Đau ốm, bệnh tật là điều mà không ai mong bởi nó không chỉ làm tổn thương cơ thể mà còn là nỗi lo về tài chính đối với người bệnh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo. Nhờ tính ưu việt của chính sách bảo hiểm y tế, nhiều người đã vượt qua được những thời điểm khó khăn của cuộc sống. Trường hợp xảy đến với bà Nguyễn Thị Hiến và cháu Nguyễn Kiên Cường là những ví dụ điển hình. Sẽ không quá lời khi nói rằng bảo hiểm y tế là “chiếc phao cứu sinh” giúp họ duy trì sự sống trước những bất trắc của cuộc sống.

Nghe bài viết dưới đây: