Những năm qua, mặc dù độ che phủ rừng tăng lên nhưng diện tích rừng tự nhiên của nước ta vẫn liên tục suy giảm. Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, năm 2021 diện tích rừng của cả nước bị thiệt hại là 2.081 ha, tăng 29,3% so với năm 2020. Trong đó, diện tích rừng bị cháy là 1.229 ha, gấp 1,7 lần; các vụ chặt phá rừng là 852 ha, thậm chí ngay cả rừng ở vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển vẫn bị chặt phá. Độ che phủ rừng cả nước đạt 42%, song bình quân hàng năm nước ta suy giảm khoảng 2.500 ha rừng. Từ năm 2001 đến 2019, gần 20% rừng nguyên sinh đã bị mất đi, diện tích rừng nguyên sinh còn lại ít, bị chia cắt, cô lập thành những khu vực nhỏ, phân bố rải rác ở một số khu vực. Đề cập tình trạng rừng bị suy thoái, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nhà hoạt động môi trường cảnh báo hệ lụy của vấn đề này rất lớn. Theo ông, cơ quan quản lý, lãnh đạo các địa phương cần dựa vào cộng đồng để thực hiện công tác bảo vệ rừng hiệu quả hơn.

Phóng viên: Thưa GS Đặng Huy Huỳnh! Từ số liệu về độ che phủ của rừng, ông đánh giá như thế nào về chất lượng rừng ở nước ta?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Tuy rằng rừng ở nước ta phục hồi. Trong thời gian qua, chúng ta trồng được 4 triệu héc-ta rừng, nhưng với rừng trồng, đa dạng sinh học không cao. Rừng nguyên sinh còn rất ít. Trong 4 triệu héc-ta rừng hiện nay, chúng ta chỉ còn khoảng 5 triệu héc-ta rừng nguyên sinh.

Phóng viên: Rất đáng buồn là rừng nguyên sinh liên tục suy giảm. Theo ông, nếu không được ngăn chặn thực trạng này sẽ gây ra những hệ lụy gì?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Những năm gần đây, một số người thiếu ý thức, họ vẫn phá rừng. Đặc biệt, đầu năm 2022, nhiều vụ phá rừng xảy ra ở Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, rồi ở tỉnh phía Bắc thì xảy ra chặt phá rừng ở Bắc Cạn. Đây là nguyên nhân gây ra lũ lụt, làm thiệt hại về người, tài sản. Vì phá rừng làm suy giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến hiện tạ và tương lai của con cháu mình. Trước đây, cũng mưa nhiều nhưng đâu có xảy ra lũ ống, lũ quét, vì rừng nguyên sinh giữ đc độ ẩm, giữ được nước và nhiều giá trị khác về kinh tế, văn hóa.

Phóng viên: Qua nghiên cứu và từ thực tế, ông có đề xuất gì để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, qua đó ngăn chặn tình trạng phá rừng?

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh: Đảng kêu gọi không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Cái đó rất tốt. Cơ chế chính sách hiện giao quyền cho các địa phương, trung ương chỉ quản lý ở tầm vĩ mô. Tôi cho rằng giao trách nhiệm như vậy cần quản lý chặt con người. Giao trách nhiệm cho Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và kiểm tra rất chặt về hành động, đạo đức của người đó, mà người kiểm tra không ai tốt hơn chính là cộng đồng. Người lãnh đạo phải gần gũi với dân, sinh hoạt với dân. Ví dụ, ông Bí thư tỉnh ủy, ông Chủ tịch UBND tỉnh đôi khi anh về sinh hoạt chi bộ với nơi anh ở thì thường dân sẽ ủng hộ lãnh đạo. Khi gần dân, dân sẽ biết được ông ấy như thế nào, gia đình ông ấy như thế nào và khi có chuyện gì đấy thì người dân sẽ giúp thì tốt hơn. Vì đôi khi, khi lãnh đạo cấp cao muốn xuống cơ sở giám sát, họ đi đến đâu thì người khác biết trước nên đã đề phòng. Như thế có nghĩa, người quản lý biết lắng nghe cộng đồng thì không xảy ra chuyện đáng tiếc như vừa rồi.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!