“Việc bảo vệ tầng ozon, giảm phát thải khí nhà kính đang là nhiệm vụ cấp thiết của toàn thế giới” là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn dự thảo “Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát” do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) vừa tổ chức tại TP.HCM.

Trong gần 4 thập kỷ qua, Nghị định thư Montreal được xem là công cụ hiệu quả và sẽ tiếp tục bảo vệ sức khỏe con người, thiên nhiên và khí hậu trên quy mô toàn cầu. Cùng với cộng đồng quốc tế, nước ta đã nỗ lực triển khai các hoạt động thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên đối với Nghị định thư Montreal; Bản sửa đổi, bổ sung Kigali nhằm bảo vệ tầng ozon, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính... đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo dự thảo Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, mục tiêu chung đến năm 2045, các chất được kiểm soát sẽ được quản lý hiệu quả và loại trừ dần.

Việc thực hiện Kế hoạch quốc gia vừa đảm bảo thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời tạo cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng các chất thay thế nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050./.