Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, các nước sẽ mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới. Điều này đòi hỏi Chính phủ các quốc gia phải nỗ lực nhiều hơn nhằm đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới thực chất.

Trong bối cảnh đó, trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, nước ta đã lựa chọn chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Chủ đề này một lần nữa khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.

Ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Trong hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, tỉ lệ thất nghiệp tăng, người lao động bị giảm thu nhập, nhu cầu hỗ trợ an sinh xã hội gia tăng. Tác động này đặc biệt nghiêm trọng hơn với nhóm đối tượng yếu thế; những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống do ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng. Vì vậy, đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái là giải pháp quan trọng để thực hiện bình đẳng giới và tiến tới xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

“Chủ đề này được nhiều đại diện tổ chức ủng hộ do sự phù hợp với tình hình chung của bối cảnh kinh tế, xã hội cũng như những ưu tiên và định hướng hoạt động của các tổ chức trong thời gian tới. Vụ Bình đẳng giới cũng đã đề xuất duy trì chủ đề này tối thiểu trong 03 năm để đảm bảo hiệu ứng truyền thông và có thời gian để thu hút sự tham gia của các ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan”, ông Lê Khánh Lương thông tin.

Là địa phương luôn đi đầu trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng công tác an sinh xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm tới đối tượng phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đặc biệt, mới đây tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hải Hà và Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà tổ chức Lễ phát động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

Bà Lê Thị Hồng Thái, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tại buổi lễ phát động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kêu gọi các cấp các ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, hãy bằng những hành động thiết thực để chung tay, xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cho phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em có hoành cảnh khó khăn có cơ hội, điều kiện để phát triển. Đồng thời, đề nghị phụ nữ và trẻ em phải tự chủ, tích cực học tập, lao động, sáng tạo, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội; nam giới cần tham gia với vai trò tiên phong và lực lượng nòng cốt, đồng hành trong việc bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, tạo nên hiệu ứng tốt đẹp và lan tỏa tới cộng đồng.

Cũng trong Tháng hành động vì bình đẳng giới, các cơ quan truyền thông của tỉnh Quảng Ninh sẽ tích cực tuyên truyền sâu rộng và mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung các thông điệp, lan tỏa những việc làm, hành động thiết thực và hiệu quả của các tổ chức, cá nhân trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực, xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Không chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh, đánh giá trên phạm vi cả nước, vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, ông Lê Khánh Lương cho rằng, qua 6 năm triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới với các chủ đề khác nhau, đã đem lại hiệu quả thiết thực và sức lan tỏa ngày càng lớn hơn, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách về giới trên các lĩnh vực ở Việt Nam. Hình thức tổ chức và nội dung các hoạt động cũng ngày càng phong phú, đa dạng, hướng đến mọi đối tượng, tầng lớp trong xã hội.

Có thể nói, với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, được các tổ chức quốc tế đánh giá là 1 trong số các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới.

Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều nhức nhối, tỉ lệ phụ nữ bị xâm hại, bạo lực còn ở mức rất cao.

“Thách thức lớn nhất đối với công tác bình đẳng giới hiện nay có lẽ là các định kiến giới vẫn tồn tại khá phổ biến trong xã hội, đây vẫn được coi là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bất bình đẳng giới cũng như bạo lực trên cơ sở giới”, khẳng định điều này, ông Lê Khánh Lương cho rằng để xóa bỏ định kiến giới thì công tác truyền thông được coi là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, từ đó giúp rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.

Đề cao vai trò quan trọng của truyền thông nên khi thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1790 ngày 23/10/2021 phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới với tầm nhìn đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm. Phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10- 15% so với năm 2025.

“Tôi tin rằng nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 đề ra thì chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu này”, ông Lê Khánh Lương tin tưởng và nhấn mạnh đây là những mục tiêu then chốt mà nếu đạt được sẽ làm tiền đề cho việc thực hiện thành công các mục tiêu khác của Chương trình cũng như các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới nói chung.

Khẩu hiệu, thông điệp truyền thông trong tháng hành động vì bình đẳng giới

- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.

- Thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh.

- Hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2022.

- Đảm bảo an sinh xã hội là nền tảng thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển bền vững của đất nước.

- Bình đẳng giới là chìa khoá để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

- Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.

- Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

- Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

- Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.

- Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại.

- Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.

- Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.

- Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với với phụ nữ và trẻ em.

- Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!

- Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Bình đẳng giới góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn và an ninh xã hội của mỗi cá nhân, gia đình

- Bình đẳng giới góp phần đầu tư cho tương lai, công bằng xã hội và phát triển bền vững.