Đổi tên thành Luật Căn cước là hợp lý

Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước tại nghị trường, 16 đại biểu đã phát biểu, 5 đại biểu tranh luận. Các ý kiến đều cơ bản tán thành với nội dung dự thảo luật sau khi đã tiếp thu, chỉnh lý. Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng việc đổi tên thành Luật Căn cước là quyết định hợp lý. “Việc lược bỏ cụm từ “công dân” không tác động đến chủ quyền quốc gia, quốc tịch, cũng như địa vị pháp lý của công dân, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung khi Việt Nam thỏa thuận với các nước khi dùng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu”, ông Tiến nêu rõ.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, thẻ căn cước là giấy tờ mang những thông tin của công dân, giúp phân biệt nhân thân, xác định danh tính trong thực hiện giao dịch, không tác động đến địa vị pháp lý và quốc tịch của công dân. Việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện hội nhập quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng tán thành với tên gọi Luật Căn cước. Theo bà, với tên gọi Luật Căn cước sẽ thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, đáp ứng nhu cầu quản lý căn cước ở nước ta. Việc thay đổi tên thẻ cũng đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. “Việc sửa đổi tên Luật còn hạn chế phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho Hộ chiếu đi lại giữa các nước trong khu vực. Nếu để tên thẻ là thẻ Căn cước công dân thì chưa đảm bảo tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của quốc tế, có thể phát sinh khó khăn nhất định khi dùng thẻ ở các quốc gia khác, hoặc dùng thẻ với mục đích hội nhập quốc tế”, bà Nga phân tích.

“Việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là tất yếu trong công tác quản lý dân cư hiện nay” là phát biểu của đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa). Ông Sơn cho rằng dự thảo trình Quốc hội lần này có nhiều điểm mới, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có nhiều bước đổi mới trong quản lý dân cư, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý nhà nước. Việc đổi tên Luật thành Luật Căn cước là phù hợp, vì đối tượng áp dụng của luật không chỉ là công dân Việt Nam, mà còn là người gốc Việt, đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, người di cư tự do sống dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng, cơ sở, tổ chức, cá nhân có liên quan, có thể là người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Vì thế, việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là tất yếu trong công tác quản lý dân cư hiện nay.

Không phát sinh thủ tục và chi phí

Từ các quy định trong dự thảo Luật, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) cho rằng việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước sẽ không phát sinh thêm thủ tục, chi phí đổi thẻ đối với người dân, không làm tăng chi ngân sách nhà nước. “Điều 46 của dự thảo Luật quy định rằng, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp. Quy định về căn cước công dân, chứng minh nhân dân tại các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước được cấp theo quy định của Luật này”, bà Dung nêu cách hiểu của mình khi đọc nội dung quy định trong Luật.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta. Việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân.

Những điều cần lưu ý trước khi thông qua

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) đánh giá cao nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, theo ông, ban soạn thảo nên cân nhắc việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt “Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại điểm b khoản 3 Điều 23 Dự thảo Luật. Đồng thời, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này, vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói”, ông Mạc nêu ý kiến.

Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân; và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

Tính pháp lý và phạm vi khai thác thông tin cũng là vấn đề khiến đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) còn băn khoăn. Ông cho rằng dự thảo bổ sung quy định về tích hợp thông tin mang tính ổn định được sử dụng thường xuyên của công dân, giúp giảm giấy tờ, thực hiện cải cách hành chính. Tuy nhiên, hiện nay công dân vẫn phải sử dụng hai hình thức là thẻ định danh điện tử và giấy tờ cá nhân. Điều này có thể dẫn tới tình trạng thông tin trên thẻ căn cước không phản ánh đúng thực trạng pháp lý của các giấy tờ gốc. Ông đề xuất có giải pháp tích hợp, kết nối kịp thời và khẳng định tính pháp lý thông tin vào thẻ căn cước và tài khoản định danh điện tử. Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về phạm vi khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tránh việc lạm dụng đánh cắp thông tin của công dân.

Trước băn khoăn của các đại biểu, sáng nay, khi phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp thu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng các ý kiến của các đại biểu có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn rõ ràng, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao với dự thảo luật. Ông cho biết Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến, có báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng. Ông đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẩn trương chủ trì phối hợp với các cơ quan để tổ chức tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội xem xét thông qua bảo đảm chất lượng, đúng chương trình Kỳ họp và tạo được sự đồng thuận cao.