Nước ta được đánh giá là quốc gia có nguồn nước ngầm khá phong phú về trữ lượng và khá tốt về chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương, nguồn nước này đang có dấu hiệu bị suy thoái và cạn kiệt. Tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, vào mùa khô, mực nước ngầm xuống sâu nên nhiều giếng khơi cạn trơ đáy. Nước giếng khoan, chất lượng nước cũng không đảm bảo. “Gia đình tôi dùng nước giếng khơi để tắm rửa nhưng vào mùa khô thường không đủ nước. Sử dụng giếng khoan thì nước có nhiều sắt. Dù nước đã qua bể lọc nhưng vẫn không đảm bảo”, ông Nguyễn Đức Trường, người dân ở huyện Cẩm Khê chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên VOV2 về vấn đề này, bà Đinh Thu Hằng, Phó Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho rằng, việc bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức.

Phóng viên: Thưa bà! Qua nghiên cứu, bà đánh giá như thế nào về chất lượng nguồn nước ngầm ở nước ta hiện nay?

Bà Đinh Thu Hằng: Hiện nay ở Việt Nam có rất ít số liệu về trữ lượng cũng như mức độ khai thác, sử dụng nước ngầm. Tuy nhiên, có thể nói do đang trong giai đoạn phát triển kinh tế với tốc độ dân số tăng nhanh, du cầu sử dụng nước từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nên nguồn nước ngầm có nguy cơ bị ô nhiễm, suy giảm ở nhiều nơi. Như ở khu vực đô thị, nước ở tầng nông liên tục bị hạ thấp; nước ở vùng ven biển thì có nguy cơ bị xâm nhập mặn.

Phóng viên: Theo bà, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là do đâu?

Bà Đinh Thu Hằng: Nước ngầm quan trọng nhưng ở Việt Nam đôi khi vẫn bị coi nhẹ. Chúng ta chưa coi trọng và đánh giá đúng mức tầm quan trọng của nước ngầm, có hiện tượng khai thác trái phép như đào giếng khoan. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm. Ví dụ, giếng này nếu không được sử dụng thì có nguy cơ bị đổ các chất thải hoặc để các chất ô nhiễm ngấm vào, ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm. Mặt khác, nước ngầm có mối quan hệ mật thiết với nước mặt. Chúng ta nhận thấy chất lượng của nước mặt hiện nay bị suy giảm. Các dòng sông và kênh rạch bị ô nhiễm rất nhiều. Hệ lụy là nó làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Tôi nghĩ chủ đề của ngày nước thế giới năm nay “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình” là rất cần thiết. Tôi nghĩ đây là hồi chuông cảnh tỉnh cộng đồng, cần có những hành động để bảo vệ nguồn nước ngầm ngay tức khắc.

Phóng viên: Từ thực tế vừa nêu, bà có đề xuất gì để kịp thời bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước này?

Bà Đinh Thu Hằng: Giải pháp bảo vệ nước ngầm cũng giống như việc bảo vệ nước mặt, cần có giải pháp toàn diện và đa chiều. Tôi nghĩ việc đầu tiên là tăng cường thực thi pháp luật về khai thác, sử dụng nước ngầm mà hiện chúng ta đã có hệ thống pháp lý. Việc thứ hai, tôi nghĩ hiện chúng ta còn thiếu là thông tin và dữ liệu. Nếu chúng ta có hệ thống thông tin và dữ liệu đầy đủ thì chúng sẽ đưa ra được những quyết định kịp thời, đúng đắn cho việc kiểm soát, bảo vệ số lượng cũng như chất lượng nước ngầm. Cuối cùng, đó là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong khai thác và sử dụng nước ngầm.

Việc quan trọng cần làm ngay là cần điều tra rõ về hiện trạng khai thác, chất lượng nước ngầm để trên cơ sở đó đưa ra quy hoạch bảo vệ nguồn nước. Chúng ta có thể tập trung vào những vùng đang có nhu cầu sử dụng lượng lớn nước ngầm như khu đô thị ở đồng bằng, vùng ven biển tập trung các hoạt động du lịch.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!