Ngày 28/4, tại tuyến phố chợ đêm Hàng Đường - Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xảy ra vụ việc 2 nữ du khách nước ngoài xô xát, to tiếng với người phụ nữ bán hàng rong vì họ bị “chặt chém”, mua 3 quả dứa với giá 500.000 đồng.

Clip ghi lại hình ảnh vụ mua bán xô xát gây bất bình, khi người phụ nữ nước ngoài đang cầm trên tay 3 quả dứa, to tiếng với người bán hàng rong và ra hiệu bà ta phải trả lại tiền. Ngay lúc đó, nhân viên bảo vệ Công ty CP Đồng Xuân – người có nhiệm vụ tuần tra bảo đảm an ninh trật tự tuyến phố chợ đêm đã vào cuộc, yêu cầu người bán hàng rong trả lại tiền cho du khách. Sau khi trả 3 quả dứa và nhận lại 500.000 đồng, 2 nữ du khách bỏ đi và người bán hàng rong cũng nhanh chóng rời khỏi tuyến phố đi bộ.

Tuy nhiên, clip “3 quả dứa giá 500.000 đồng” đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Người xem không khỏi bất bình vì việc chặt chém du khách đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch của Thủ đô Hà nội cũng như đất nước Việt Nam.

Được biết, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã huy động lực lượng truy tìm người phụ nữ bán hàng rong chặt chém du khách nhằm xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc chặt chém du khách đã và đang xảy ra ở nhiều điểm du lịch trong nước và quốc tế. Các cơ quan chức năng cũng chưa có những giải pháp, hình phạt thích đáng để ngăn chặn. Bán hàng tại các điểm du lịch là một phương thức kiếm sống cộng sinh, “ăn theo” du lịch – có khách du lịch thì mới bán được hàng. Tuy nhiên, những người kinh doanh lại chỉ nghĩ cho mình là chặt chém, hét giá, tranh thủ bán hàng kém chất lượng, miễn thu lợi nhuận cao.

Cách nghĩ nông cạn, tham lam chụp giật này gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt của bản thân mà làm ảnh hưởng lâu dài đến văn hóa du lịch tại các quần thể du lịch, ảnh hưởng đến du lịch của một địa phương, một quốc gia, khiến du khách có ấn tượng tồi tệ về vùng đất, con người nơi họ bị “ chơi xấu “. Và đương nhiên trong thời đại công nghệ, những hình ảnh, video, clip được tung lên mạng xã hội “tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa”, thật khó có thể lấy lại được uy tín mà bao thế hệ dày công giữ gìn, vun đắp.

"Chặt chém" là hành vi xấu không thể chấp nhận được, cần có giải pháp ngăn chặn triệt để, với những chế tài răn đe thật nghiêm minh. Việc bán hàng ở các điểm du lịch cần quy định chặt chẽ như niêm yết giá trên từng loại hàng hóa để khách du lịch “thuận mua, vừa bán", mua hàng trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ…, đóng góp cho sự phát triển của vùng đất mình đến. Làm cho khách phẫn nộ vì mua hớ, bị lừa, bị chặt chém để rồi “một đi không trở lại" thì bao giờ chúng ta mới văn minh hơn?

Du lịch là một loại hàng hóa đòi hỏi sự tinh tế, giúp cho người hưởng dịch vụ có được cảm giác sảng khoái, thoái mái trong tâm thế, trạng thái vui vẻ, hài lòng. Những người tham gia trong chuỗi các hoạt động dịch vụ, du lịch phải làm sao để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Chặt chém du khách là hành vi thiếu văn hóa của người tham gia vào chuỗi hoạt động dịch vụ du lịch, nếu không muốn nói hành vi đó là cố tình phá hoại những nỗ lực, cố gắng của cả một cộng đồng đang xây dựng, phát triển dịch vụ du lịch lên một tầm cao mới, giúp cho ngành công nghiệp không khói mang lại lợi nhuận cao cho nền kinh tế; đồng thời là dịp quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.