Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, căn cứ Đồng Dù ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn được ví như “cánh cửa thép”, của địch. Để tiến sâu vào nội đô Sài Gòn, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Tuyển và đồng đội thuộc sư đoàn 320 được giao nhiệm vụ phải chọc thủng cánh cửa này. 50 năm đã qua nhưng những âm thanh, hình ảnh và cảm xúc của trận chiến “sinh tử” ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông.

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Tuyển hiện sinh sống tại xã Tứ Hiệp, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ông Tuyển cho biết nhập ngũ năm 1970, sau đó được biên chế vào Trung đoàn 9, Sư đoàn 320.

Trong cuộc đời binh nghiệp, ông không bao giờ quên những tháng ngày cùng đồng đội tấn công vào căn cứ Đồng Dù. “Đơn vị chúng tôi được phân công đánh cứ điểm Đồng Dù. Đây là cứ điểm mạnh nhất của địch, được ví là cánh cửa thép”, ông Tuyển nhớ lại.

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Tuyển cho biết căn cứ Đồng Dù trước đây thuộc tỉnh Tây Ninh, nay là quận Củ Chi, TPHCM. Căn cứ rộng khoảng 6km2, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30km về phía Tây Bắc, là căn cứ quân sự do Mỹ tạo dựng. Địa hình nơi đây rất trắc trở. Quân địch lại xây dựng tới 10 lớp hàng rào dây thép gai nhằm ngăn chặn sự tiến công của quân ta. Đây cũng là 1 trong 5 phòng tuyến rất quan trọng của địch, bao quanh các hướng vào Sài Gòn. “Mỹ dùng tất cả các loại xe tăng, máy móc hiện đại để săn huyệt đạo của mình. Cứ điểm này do Sư đoàn Tia chớp nhiệt đới của Mỹ xây dựng. Mục đích để ngăn chặn quân ta từ Tây Nguyên đánh xuống và từ khu vực đồng bằng đánh lên”, ông Tuyển cho biết.

Với địa thế và sự trang bị về vũ khí như vậy, căn cứ Đồng Dù được ví là “cánh cửa thép”. Dẫu vậy, quân ta vẫn đặt mục tiêu phải đập tan căn cứ này trước ngày 29/4/1975 để quân chủ lực vào được nội đô, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ai cũng biết trận chiến rất ác liệt, tuy nhiên không ai chùn bước. Trung đoàn 9, Sư đoàn 320 - một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ chọc thủng Đồng Dù, ai nấy đều xông trận với quyết tâm chiến thắng. “Đơn vị của chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh và giải phóng Đồng Dù. Một đơn vị đặc công của chúng tôi cũng đã tiếp cận căn cứ này. Bằng mọi quyết tâm, chúng tôi phải giải phóng cho bằng được, nếu không thì đồng đội mình sẽ bị kẹt ở đấy. Được sự chỉ huy của cấp trên và hỗ trợ hỏa lực của các đơn vị bạn, chúng tôi đã giải phóng được Đồng Dù”, ông Tuyển nhớ lại.

Trong trận đánh vào Đồng Dù, ngày 29/4/1975, nhiều chiến sỹ đã ngã xuống. Ông Tuyển thị thương, được đồng đội sơ cứu, cõng về đơn vị. Hôm sau - 30/4/1975, ông được chuyển về điều trị tại bệnh xá của Trung đoàn 9, Sư đoàn 320. Tại đây, ông vẫn nhớ như in thời khắc khi đang nằm trên giường bệnh thì nghe tin miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất. “Tôi bị 3 vết thương trên người. Khi đang nằm điều trị, tôi nghe tin giải phóng được miền Nam. Lúc bấy giờ, tôi phấn khởi lắm, vì đất nước hòa bình, Bắc - Nam sum họp”, ông Tuyển nhớ lại.

Chiến thắng Đồng Dù có ý nghĩa rất quan trọng. Theo các chuyên gia về quân sự, đợt tấn công vào căn cứ Đồng Dù là trận đánh cuối cùng để giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Yếu tố này càng khiến những người trong cuộc như như cựu chiến binh Nguyễn Quốc Tuyển thêm tự hào mỗi dịp tháng 4 về.