Hẳn dư luận vẫn còn nhớ vụ một cháu bé 8 tuổi khi sang nhà bà nội (xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) chơi đã bị chó Pitpul bất ngờ tấn công, cắn liên tiếp vào cổ và tay. Dù đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong do vết thương quá nặng. Và còn rất nhiều những vụ việc đau lòng như vậy xảy ra khiến dư luận không khỏi bàng hoàng lo lắng.

Theo thống kế của Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, những năm gần đây, bình quân mỗi năm ở nước ta có khoảng từ 400.000 – 500.000 người bị chó cắn, trong đó có nhiều vụ chó dữ tấn công dẫn đến thiệt hại về tính mạng. Dù đã có khá nhiều nhiều vụ việc đau lòng xảy ra nhưng trên thực tế khi ra đường chúng ta vẫn dễ dàng gặp những con chó được thả rông, không đeo rọ mõm. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng nếu chó dữ vẫn tiếp tục được thả rông, người nuôi không có ý thức tuân thủ những quy định và cơ quan chức năng không quản lý chặt, xử lý nghiêm thì số người bị chó dữ tấn công có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Trang – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, để xảy ra tình trạng chó dữ tấn công người trách nhiệm đầu tiên thuộc về người nuôi khi đã thiếu ý cộng đồng, coi thường sức khỏe và tính mạng của người khác, không tuân thủ quy định về quản lý vật nuôi. Ngoài ra cũng cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và đặc biệt là những vụ gây thương tích thậm chí là chết người.

Dù pháp luật của nước ta cũng đã có chế tài quy định về xử phạt hành chính đối với chủ nuôi như: xử phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; chủ nuôi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt theo Bộ luật dân sự và trách nhiệm hình sự khi để chó tấn công người, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Tuy nhiên, dù chế tài đã có nhưng khi xử lý một số cơ quan có thẩm quyền vẫn còn nương tay, nhiều vụ việc nghiêm trọng nhưng chưa thấy bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này có thể dẫn đến các chủ nuôi chó vẫn còn thờ ơ, chưa nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của bản thân đối với việc tuân thủ các quy định về nuôi và quản lý chó khiến các vụ việc đáng tiếc liên quan đến chó dữ tấn công người vẫn tiếp tục xảy ra.

Theo các chuyên gia, Pitbull, chó Ngao… là những giống chó cực kỳ nguy hiểm, đã bị cấm nuôi ở nhiều nước trên thế giới. Với bản tính hoang dã những giống chó này có thể tấn công người và các vật nuôi khác. Tuy nhiên, bản thân con chó không có tội mà đa số chủ nuôi không hiểu biết về cách nuôi dạy loài chó đặc thù này nên mới dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Trên thế giới, một số nước như: Trung Quốc, Singapore, Tây Ban Nha…đã có quy định về giấy phép sở hữu và có sự phân loại rất rõ ràng đâu là chó có độ hiếu chiến, hung dữ và khó thuần phục nhằm quản lý các giống chó được coi là nguy hiểm. Còn ở nước ta, chủ nuôi chỉ cần đăng ký tại UBND cấp xã (chỉ cần đăng ký mà không bắt buộc chính quyền phải đồng ý cấp phép mới được nuôi). Ngoài ra, công tác phân loại và quản lý các loại chó nguy hiểm ở nước ta còn khá hạn chế, chưa có trong các quy định về sở hữu vật nuôi.

Luật sư Trần Thị Ngọc Trang cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải cấp phép nuôi chó ở đô thị. Về lâu dài sẽ cấp phép nuôi chó trên toàn quốc. Cần sớm ban hành những quy định pháp lý về nuôi và quản lý chó như: ban hành danh mục chó được phép nuôi, những giống chó nào không nên cho nuôi, hoặc không được nuôi ở môi trường nhất định; yêu cầu tất cả chủ nuôi chó phải đăng ký vật nuôi, cấp mã số và đeo thẻ cho vật nuôi để dễ quản lý và quy trách nhiệm khi gặp sự cố; với những giống chó to, hung dữ, chủ nuôi bắt buộc phải qua một khóa huấn luyện về phương pháp nuôi dạy chó, được cấp chứng chỉ mới được nuôi; bắt buộc chủ nuôi chó hung dữ phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với vật nuôi; ban hành tiêu chuẩn về điều kiện sống của vật nuôi như: kích cỡ chuồng trại, cũi, khoảng không đảm bảo cho vật nuôi vận động, sổ theo dõi sức khỏe, sổ tiêm chủng...Phạt nặng với các chủ để chó gây tai nạn dưới bất kỳ hình thức nào. Truy tố trách nhiệm hình sự đối với chủ nuôi nếu chó gây thương tích hoặc làm chết người.

Trong khi chờ các nhà làm luật nghiên cứu để xem có nên cho ra đời hay không quy định về việc cấm nuôi các loại chó dữ thì trước tiên chủ nuôi phải thực hiện nghiêm các quy định. Có như vậy mới tránh được những tai nạn đáng tiếc cho cộng đồng và xã hội./.