Mất khả năng quan sát nhưng anh Vũ Ngọc Anh, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội, vẫn trở thành tấm gương sáng về ý chí, lan tỏa lối sống tích cực tới cộng đồng.
Bi kịch tuổi thơ
Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng chưa khi nào anh Vũ Ngọc Anh, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội, có thể quên cái ngày đen tối khiến anh vĩnh viễn mất đi ánh sáng của đôi mắt.
Năm lên 10 tuổi, trong một lần bố mẹ vắng nhà, Ngọc Anh ngồi chơi ở dưới bếp. Anh nghịch chiếc bình ga mini và chẳng may vật này phát nổ khiến một mắt bên phải bị tổn thương hoàn toàn. “Em nhớ lúc đó đang học lớp 4 thì tai nạn xảy ra. Thị lực mắt bên phải hỏng hẳn. Một bên còn lại, thị lực còn được 5/10. Khi đó, em vẫn đi học được nhưng càng về sau thị lực càng yếu đi”, anh Ngọc Anh chia sẻ.
Được cha mẹ động viên, thầy cô tạo điều kiện thuận lợi, Ngọc Anh vẫn cố gắng đến trường. Tuy nhiên, con đường học tập vẫn dang dở vì thị lực của bên mắt còn lại cũng suy yếu. “Nhà trường tạo điều kiện cho em nhiều lắm. So với các bạn trong lớp, em là đứa có chiều cao nhỉnh hơn nhưng thầy cô vẫn xếp cho em ngồi bàn đầu để nhìn chữ trên bảng rõ hơn. Giờ kiểm tra, sau khi chép đề lên bảng thầy cô thường ưu tiên đưa cho em tờ giấy để em nhìn vào đó tự chép đề. Dẫu vậy, sau đó em vẫn phải nghỉ học vì không nhìn được nữa”, anh Ngọc Anh nhớ lại.
Nếu lúc còn nhỏ, Ngọc Anh chưa có ý thức để cảm nhận mất mát thì khi lớn anh như càng đau xót hơn và thấm thía câu thành ngữ “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Trong tư tưởng, anh không chấp sự thật nghiệt ngã rằng mình là người khiếm thị. “Lúc em còn bé, các bạn cũng trêu đùa về đôi mắt của em, em không cảm thấy buồn gì cả. Nhưng vài năm sau khi tai nạn xảy ra, em không chấp nhận mình là người khuyết tật. Em luôn chối bỏ sự thật là mình bị khiếm thị”, anh Ngọc Anh chia sẻ.
Cứ như vậy, không chỉ cướp đi ánh sáng của đôi mắt, tai nạn còn như hòn đá tảng đè lên tâm trí còn non nớt và làm mất đi nhiều cơ hội học tập của Ngọc Anh suốt thời gian dài.
Vươn lên và lan tỏa tinh thần vượt khó
Nhìn vào khiếm khuyết ở đôi mắt, ít ai nghĩ rằng Ngọc Anh có niềm đam mê mãnh liệt với vẻ đẹp của hoa lan và trở thành ông chủ của một vườn lan lớn tại Hà Nội. Nhưng đó là câu chuyện có thật giữa đời thường. Không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho một số lao động, anh còn lan tỏa tinh thần vượt khó đến cộng đồng.
Vườn lan của “ông chủ” khiếm thị ấy có tên Vũ Lan Viên, nằm trên địa phận phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Với diện tích khoảng 4.000 m2, Vũ Lan Viên hiện có hơn 10.000 giỏ lan các loại. Nơi đây từ lâu không chỉ trở thành điểm giao lưu, thưởng lan của đông đảo người yêu lan ở Hà Nội và các tỉnh lân cận mà còn là chỗ làm việc, đem lại thu nhập ổn định cho 5 lao động nhiều năm nay.
Anh Bùi Văn Tịnh, quê ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình gắn bó với Vũ Lan Viên hơn 10 năm nay. Công việc chính là tưới tắm, làm cỏ, nhân giống, phát hiện sâu bệnh, điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm… Từng là người không có kiến thức, hiểu biết về lan - loài cây “khó tính”, nay anh trở thành “thợ cứng” trong việc trồng, nhân giống và chăm sóc lan. Công việc phù hợp với sức khỏe nên anh đã chọn và gắn bó lâu dài. Cũng từ vườn lan này, anh không chỉ đảm bảo cuộc sống cho vợ, con nơi thị thành mà còn tích lũy và xây dựng được một ngôi nhà tại Lạc Sơn, Hòa Bình với chi phí hơn 500 triệu đồng. Anh Tịnh chia sẻ, tất cả những gì anh đang có đều từ công sức và nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên, anh luôn biết ơn “ông chủ” của vườn lan, bởi nhờ có những lời khuyên, sự hỗ trợ về tinh thần mà cuộc sống đã diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp. “Hoàn cảnh gia đình em, bố mất sớm, kinh tế khó khăn nên em nghỉ học giữa chừng để đi làm phụ giúp mẹ. Em từng làm nhiều việc nhưng không việc nào làm được lâu dài. Khi vào Vũ Lan Viên học việc, em được chú Ngọc Anh hướng dẫn tận tình. Em thấy công việc phù hợp, chú Ngọc Anh sống hòa đồng, tốt tính, lương cũng ổn định nên cứ làm đây thôi. Em làm được nhà ở quê cũng một phần do chú định hướng, nếu không có thể em đã dùng tiền đó mua xe máy hết”, Bùi Văn Tịnh chia sẻ.
Thu nhập cũng chỉ là một trong những yếu tố khiến ông Vũ Công Thuấn gắn bó với Vũ Lan Viên gần 15 năm nay. Ông Thuấn cho biết chưa từng gặp một người khiếm thị nào yêu hoa lan như anh Vũ Ngọc Anh. Từ đam mê mà Ngọc Anh đã làm được những điều tưởng chừng không thể. Hơn thế, là “ông chủ” nhưng Ngọc Anh luôn khiêm tốn, gần gũi và không ngừng học hỏi - yếu tố khiến ông nể phục, quý mến và gắn bó với vườn lan. “Chú ấy là người khiêm tốn, điềm đạm. Làm việc tại đây bao nhiêu năm mà tôi chưa thấy chú ấy tức giận bao giờ. Mắt kém nhưng tình trạng cây lan như thế nào chú ấy đều biết và có biện pháp phòng ngừa, điều trị và chăm sóc để cây phát triển tốt”, ông Thuấn chia sẻ.
Có thời điểm, Vũ Lan Viên có tới 30 nghìn giỏ lan các loại, tạo việc làm và thu nhập cho 20 lao động. Tới đây, ngoài thu nhập, những lao động như ông Vũ Công Thuấn hay Bùi Văn Tịnh, còn như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực từ người chủ sở hữu vườn lan để làm động lực vươn lên.
Bí quyết khắc phục điểm yếu
Nói đến hoa, nhất là hoa lan, là nói về cái đẹp. Mà cái đẹp thường phụ thuộc vào đôi mắt của người ngắm. Lan còn là loài cây “khó tính”. Anh Ngọc Anh mất hoàn toàn thị lực nhưng lại yêu thích và chọn hoa lan để trồng và kinh doanh. Vì thế, bất cứ ai khi biết về ông chủ của vườn lan lớn mang tên Vũ Lan Viên đều không khỏi tò mò.
Đề cập “cái duyên” với hoa lan, anh Ngọc Anh cho biết ban đầu có đi học trồng hoa hồng, trồng nấm rơm…. Tuy nhiên, anh thấy khả năng của mình không phù hợp. Hơn thế, anh thấy trồng lan sẽ không cần diện tích trồng quá lớn. “Trồng lan chỉ cần diện tích nhỏ thôi nhưng cây vẫn cho mình giá trị lớn về kinh tế. Hơn nữa, em có tình yêu với hoa lan từ lúc còn nhỏ - khi em còn nhìn được lờ mờ, nên em quyết định chọn trồng lan”, anh Ngọc Anh chia sẻ.
Anh Ngọc Anh cũng biết khi mất đi khả năng quan sát mà lại trồng và kinh doanh hoa lan là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nếu không trồng hoa lan anh sẽ không biết làm gì để có thu nhập ngoài nghề đan chổi đót và làm tăm. Chính vì vậy, dù biết đối diện với nhiều khó khăn, anh vẫn quyết tâm làm. “Em biết yếu điểm của em là không nhìn được nên em biến nó trở thành điểm mạnh. Vì không nhìn được nên em không chủ quan, thậm chí rất cẩn thận trong việc chăm sóc. Ở Văn Quán có một câu lạc bộ hoa lan, em thường mời các bác lớn tuổi, giàu kinh nghiệm trồng lan trong hội đến thăm vườn lan của em. Trong những buổi đó, em nhờ các bác kiểm tra, phát hiện giúp em về tình trạng của cây, đánh giá xem cây đang phát triển ở thời kỳ nào, có dấu hiệu bệnh gì, thừa hay thiếu chất gì, cần chăm bón như thế nào…. để cây phát triển tốt nhất. Các bác thương nên giúp đỡ em rất nhiều”, anh Ngọc Anh chia sẻ.
Cứ như vậy, lâu dần, Vũ Lan Viên trở thành điểm giao lưu, tọa đàm, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc lan. Câu chuyện về chàng trai khiếm thị nhưng vẫn thưởng lan, chăm sóc và phát triển một vườn lan lớn ở Hà Nội được nhiều người biết đến với sự quý mến và nể trọng về tinh thần vượt khó.
Nghe bài viết dưới đây: