Mới đây, tại phiên họp thứ 10, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần phải quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong việc phát hiện, xử lý và phòng ngừa bạo lực gia đình.

Hiện nay bạo lực gia đình không còn là vấn đề trong mỗi gia đình mà nó đang trở thành vấn nạn của toàn xã hội. Trên phạm vi toàn cầu, cứ 3 người phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc kết hôn thì có 1 phụ nữ từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần từ bạn đời. Còn ở Việt Nam, kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2021 cho thấy có 32% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục. Đáng nói, có đến 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực đã không tìm kiếm sự giúp đỡ của công an, tỉ lệ phụ nữ bị bạo hành tìm đến sự giúp đỡ chỉ là 4,8%. Không riêng với phụ nữ, bạo lực gia đình với trẻ em, người già cũng diễn ra phổ biến khi có tới 21,3% số trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình. Đặc biệt, thống kê cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012).

Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, trong bối cảnh như vậy, việc xây dựng dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình, sửa đổi là cực kỳ cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Thực tế sau gần 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, cơ quan quản lý nhà nước đã có tổng kết và chỉ ra rất nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó đặc biệt phải nhắc tới sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa mang lại hiệu quả. Nhiều cơ quan, đơn vị vẫn nghĩ rằng phòng chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của ngành văn hóa. Nhưng bản chất đây là vấn đề của các cấp, các ngành khác nhau.

Ở cấp trung ương, theo dẫn chứng của ông Quý, thì chỉ đơn giản như việc thống kê số liệu về các vụ bạo hành gia đình cũng chưa đồng nhất. Mỗi một cơ quan có một sự thống kê theo tiêu chí riêng của mình. Và khi số liệu thống kê không chính xác thì sẽ rất khó khăn trong quá trình hoạch định chính sách. Còn ở địa phương khi sự phối hợp giữa các ban, ngành, các cơ quan thiếu chặt chẽ sẽ dẫn đến việc chia sẻ số liệu, chia sẻ thông tin không đầy đủ. Việc can thiệp, xử lý và giúp đỡ nạn nhân cũng không kịp thời.

Không những thế, ông Quý cũng thẳng thắn thừa nhận, chính vì chưa có sự phối hợp chặt chẽ và quy trách nhiệm rõ ràng nên khi các vụ bạo hành xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng mới chỉ xử lý được người gây ra bạo hành chứ còn trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan thì rất khó xác định cụ thể.

Bởi vậy, trong dự thảo luật lần này đã quy định rất rõ về báo tin, phân loại và xử lý vi phạm. Trong đó khi xảy ra bạo hành gia đình, nạn nhân có thể tìm đến 5 địa chỉ để khai báo đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng công an xã, Trưởng thôn, trưởng khu phố, các đồn biên phòng đối với các khu vực biên giới và tiếp đó là có thể báo tin cho các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương.

“Thậm chí tới đây, chúng tôi sẽ trình Chính phủ xây dựng đường dây nóng quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và nạn nhân có thể gọi điện tới đây để khai báo. Đường dây nóng này theo dự kiến sẽ chung với đường dây quốc gia về trẻ em 111”, ông Quý thông tin.

Sau khi nạn nhân khai báo, Chủ tịch cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo để phân loại xác minh và đưa ra các hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Về hòa giải, dự thảo luật lần này cũng quy định rõ việc nào hòa giải, việc nào không được hòa giải và việc nào phải xử lý hành chính, việc nào cần phải xử lý hình sự.

Theo dự kiến, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá XV vào tháng 5 năm nay. Hy vọng rằng khi có một hệ thống pháp lý đủ sức mạnh, với những quy định về cơ chế phối hợp, xử lý trách nhiệm cụ thể rõ ràng thì bạo lực gia đình sẽ không còn là vấn đề nhức nhối của xã hội.