Chiều 09/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021…

Thảo luận về nội dung này, ông Hoàng Anh Công (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đã nêu lên một “căn bệnh” đang âm thầm lây lan trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, thậm chí đang dần trở nên phổ biến, đó là "căn bệnh" sợ trách nhiệm.

Theo ông Hoàng Anh Công, có những người thực hiện nhiệm vụ đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng khi thực hiện lại luôn e sợ không dám quyết định, chỉ vì lo sự an toàn cho mình.

“Ngay trong công tác phòng chống dịch vừa qua có tình trạng một số địa phương có tâm lý ngại mua sắm thiết bị máy móc, vật tư y tế do sợ bị xử lý kỷ luật, sợ bị xử lý hành chính, hình sự. Hoặc khi Chính phủ ban hành nghị quyết số 128 nhưng một số nơi vẫn áp dụng các biện pháp ngăn sông, cấm chợ. Áp dụng những biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế giao thông, giao lưu hàng hóa nhằm tránh phát sinh F0 vì e sợ, nếu để dịch bùng phát sẽ bị ảnh hưởng đến công tác, từ đó có thể bị phê bình, kỷ luật”, ông Hoàng Anh Công nhấn mạnh.

Tương tự, theo ông Hoàng Anh Công, hoạt động đầu tư công cũng đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi "căn bệnh" sợ trách nhiệm khi nhiều công trình trọng điểm đều bị chậm tiến độ, đội vốn, tốc độ giải ngân tại các địa phương, các bộ ngành đa số đạt tỉ lệ rất thấp.

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ năm 2021, có tới 36/50 Bộ, cơ quan Trung ương; 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%. Trong đó có 20 Bộ, ngành và 2 địa phương đạt dưới 20%. Một trong những nguyên nhân chính chính dẫn đến thực trạng này là sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật, đẩy cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ vào tâm trạng lo lắng, né tránh, sợ không dám quyết định.

“Hệ quả của sự bất cập này dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động sáng tạo, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện vô cảm với nhân dân. Người năng động, sáng tạo, trung thực thấy đúng thì dám làm, thấy sai dám đấu tranh vì lợi ích chung nhưng đôi khi lại bị xử lý trách nhiệm, không được bảo vệ” - Đó là những điều ông Hoàng Anh Công băn khoăn chia sẻ.

Để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hạn chế này, ông Hoàng Anh Công cho biết, ngày 22/9/2021, Bộ chính trị đã ban hành kết luận số 14 về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung". Trong đó có nhấn mạnh khi cán bộ thực thi, thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu đề ra, hoặc gặp rủi ro xảy ra thiệt hại nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn giảm trách nhiệm.

Tinh thần này cũng được khẳng định tại Quy định số 22 của Ban chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Đây là một chủ trương mới khuyến khích sự sáng tạo, năng động của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Tuy nhiên ông Hoàng Anh Công cho rằng, để kịp thời đưa chủ trương đúng đắn của Đảng vào cuộc sống thì cần sớm thể chế hóa các chủ trương này.

“Nếu không sớm luật hóa thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm, thậm chí có thể dẫn đến bị trù dập, oan sai. Đặc biệt sẽ vô tình mở thêm cánh cửa cho tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh cực thanh tra, điều tra, xét xử".

Từ cơ sở phân tích đó, ông Hoàng Anh Công kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần sớm chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xử lý vi phạm hành chính, hình sự; Đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý, sửa đổi bổ sung, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo, kịp thời thể chế hóa quy định bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung và coi đây là một nhiệm vụ cần sớm phải thực hiện và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngay.

Trong giai đoạn trước mắt, ông Hoàng Anh Công cho rằng, cần giao cho cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm soát rà soát lại các vụ việc đã và đang được xem xét xử lý có liên quan đến nội dung vừa nêu để có biện pháp tham mưu cho cấp có thẩm quyền trong việc xem xét, áp dụng quy định này trên thực tế nhằm củng cố lòng tin, tránh làm oan sai cho cán bộ công chức, thực thi nhiệm vụ.

Trước đó, trong phiên thảo luận của Quốc hội sáng ngày 09/11, ông Nguyễn Lân Hiếu (ĐBQH tỉnh Bình Định) có những chia sẻ về công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua trong đó nhấn mạnh đến việc một số cán bộ, bác sĩ ngành y bị kỷ luật, khởi tố vì liên quan đến mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý, là điều hết sức đau lòng. Nhưng lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, còn lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng thay đổi sau lại khó vô cùng.

"Một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên, không chắc ông ấy đã nắm vững về quản lý với các quy định lắt léo như hiện nay. Vậy nên rất cần các cơ chế rõ ràng, mà tốt nhất là tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn, đối với việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men", ông Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.