Nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội sửa dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) với phần điều chỉnh hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí.

Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội hằng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thay vì 80 tuổi như hiện hành. Nguồn đảm bảo cho khoản chi này được lấy từ ngân sách nhà nước. Trao đổi với phóng viên VOV2, phần lớn các đại biểu Quốc hội đều đồng tình và đánh giá cao nội dung điều chỉnh này. Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) là một trong số đó. “Tôi nhất trí cao với quy định hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 75 tuổi. Đây là vấn đề người dân rất quan tâm và có nhiều ý kiến mỗi khi tôi đi tiếp xúc cử tri. Tôi thấy quy định như vậy thể hiện tính nhân văn của chính sách, đảm bảo đa số người dân khi về già sẽ được hưởng chế độ hưu trí”, ông Thắng nêu quan điểm.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), quá trình thực hiện Luật BHXH 2014 phát sinh một số bất cập. Việc sửa đổi Luật với phần điều chỉnh theo hướng giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí sẽ xử lý được những tồn tại. Điều này còn góp phần từng bước hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Ông Bình còn cho rằng để theo kịp hệ thống an sinh xã hội tiến bộ của thế giới, ngân sách Nhà nước cần tiếp tục tăng chi cho lĩnh vực an sinh. Cùng với đó là sự điều chỉnh về chính sách theo hướng giảm độ tuổi được trợ cấp hưu trí. “So với thế giới, tỷ lệ % GDP của ta chi cho an sinh chưa cao, chưa theo kịp. Tôi đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất tăng chi cho an sinh xã hội, có lộ trình giảm thêm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí”, ông Bình kiến nghị.

Không chỉ ủng hộ việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, còn quan tâm đến mức trợ cấp. “Mức trợ cấp bao nhiêu, chúng ta phải tính đến. Tôi cho rằng ít nhất phải bằng mức hỗ trợ người nghèo, nếu không thì sẽ mang tiếng. Về nguồn chi, chúng ta cần tính đến hai nguồn, gồm ngân sách Nhà nước và các nguồn khác của xã hội”, GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất.

Đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trước mắt sẽ giảm độ tuổi được hưởng từ 80 xuống 75. Sau đó, chúng ta phấn đấu xây dựng chính sách theo hướng giảm dần đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Còn mức hưởng sẽ giao cho Chính phủ quy định, linh hoạt tuỳ vào tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ. “Trong luật này, những vấn đề cụ thể bằng tiền sẽ không quy định mà sẽ đưa vào Nghị định và giao cho Chính phủ. Như vậy sẽ đảm bảo hài hòa hơn, dễ cân đối và nhanh hơn hơn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Đề cập vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng bản chất của trợ cấp hưu trí xã hội giống như trợ cấp cho người cao tuổi hiện nay. Ông thống nhất với quan điểm “độ tuổi được hưởng trợ cấp hữu trí xã hội sẽ ngày càng giảm xuống và giảm cho đến khi chạm tới tuổi nghỉ hưu, mức trợ cấp ngày càng tăng lên và do ngân sách Nhà nước chi trả “Quy định về nội dung này trong dự thảo Luật phải có cách thức linh động, không đóng khung. Việc điều chỉnh giảm dần tuổi và mức hưởng cụ thể thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo đề nghị của Chính phủ. Cách thức này sẽ phù hợp với từng thời kì, bảo đảm sau này chúng ta không phải sửa Luật mà vẫn vận hành được”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự thảo Luật BHXH sửa đổi vẫn thiếu những quy định làm rõ trợ cấp bảo hiểm hưu trí với trợ cấp của người cao tuổi. Điều này dễ dẫn đến nhầm lẫn giữa đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội với đối tượng hưởng trợ cấp thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi. Để tránh chồng chéo và nhầm lẫn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát Luật Người cao tuổi để sửa đổi tương ứng.