Con đường từ cầu A1 đến xã Noong Luống, huyện Điện Biên, chạy giữa cánh đồng Mường Thanh - nơi có các nhánh đường dẫn vào các xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn và Thanh Yên. Con đường nào cũng trải nhựa phẳng lỳ. Những hố bom, giao thông hào ngày nào giờ đã nhường chỗ cho những công trình kiên cố mang tầm vóc của thành phố lịch sử. Ông Nguyễn Văn Tùng không thể ngờ chỉ sau mấy chục năm Điện Biên Phủ đã trở thành một thành phố hiện đại, lung linh như bây giờ. “Thật không thể tưởng tượng được Điện Biên hôm nay lại đẹp đến vậy, nhà cửa khang trang, xe cộ nhộn nhịp. Trước ở đây nơi này còn là rừng núi hoang vu, cánh đồng Mường Thanh toàn lau sậy mà nay đã là đồng lúa xanh rì, khu chiến tích đồi A1, C1, D1… giờ đã được xây dựng, tôn tạo thành những công trình to đẹp”, ông Tùng phấn khởi.

Là một trong những người đầu tiên quay trở lại chiến trường xưa xây dựng cuộc sống mới, ông Phạm Bá Miều – thành phố Điện Biên – luôn lấy khẩu hiệu: “Nông trường là gia đình, Tây Bắc là quê hương” để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay sau gần 70 năm gắn bó với mảnh đất Điện Biên ông đã xây dựng thành công nhiều mô hình như nuôi lợn siêu nạc, vịt đẻ, chăn nuôi cá giống…giúp ổn định kinh tế gia đình. Ông tâm sự: là người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nay trở về đời thường được chứng kiến sự thay đổi của mảnh đất chiến khu xưa tôi rất vui mừng. Dù tuổi đã cao nhưng tôi sẽ cố gắng đóng góp công sức nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương, đất nước.

Sinh ra và lớn lên ở Điện Biên, trải qua nhiều cương vị công tác và cũng là người chứng kiến biết bao thăng trầm của mảnh đất Điện Biên lịch sử, ông Vừ A Sính là người cảm nhận rõ hơn ai hết những thành quả mà Điện Biên đạt được. Ông cho rằng dù đạt được những thành quả như vậy nhưng cũng không nên ngủ quên trên chiến thắng, mà mỗi người càng phải tích cực hơn trên trận chiến chống cái đói, cái nghèo.

Từ một tỉnh còn nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm của tỉnh luôn đạt mức cao (đứng thứ 4 trong tổng số 14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,35% xuống còn 25,6%. Nhắc về thành tựu của Điện Biên hôm nay, ông Lò Văn Phương – Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho rằng đó là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. “Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đánh giá cao vai trò của Hội CCB, khi trở về đời thường vai trò được thể hiện rất rõ trong việc xây dựng đời sống mới, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, tôi đi cơ sở thường xuyên nhận được lời khen của cấp ủy, người dân dành cho CCB, đó là những lời khen chúng ta cần trân trọng”, ông Phương khẳng định.

Về Điện Biên những ngày này, chúng tôi được chứng kiến biết bao đổi thay. Vùng đất ấy đã và đang chuyển mình từng ngày với sự nỗ lực của mỗi người dân, góp phần tạo nên vẻ đẹp nông thôn mới trên quê hương Điện Biên anh hùng./.

Mời nghe bài viết tại đây: