Đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi luật, bởi sau một thời gian, nhiều quy định hiện hành đã không còn phù hợp. Chẳng hạn, đối với quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng và gia đình. Nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại về tính hiệu quả và mức độ an toàn của quy định này.

Tại khoản 2, điều 36 quy định về thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở, theo đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), thời gian cai nghiện được quy định trong luật chỉ tối thiểu là 6 tháng thì quá ngắn và khó có thể đem lại kết quả như mong muốn. Theo ông nên tăng thời hạn ít nhất là 9 tháng: “Nghiện ma túy là bệnh lý nên cần phải kiên trì, điều trị thường xuyên trong thời gian dài. Nếu cần thiết, người nghiện ma túy phải cách ly với cộng đồng và sống chung với phác đồ điều trị. Muốn cai nghiện thành công thì phải có giải pháp cách ly người nghiện khỏi môi trường ma túy... mà chỉ có 6 tháng thì không thể”.

Một thống kê cho thấy, nguồn lực thực tế tại các cơ sở cai nghiện ma túy phần lớn chưa có được sự đầu tư đúng mức. Nhiều nơi, công trình đã cũ và xuống cấp nên việc bố trí những khu riêng biệt cho các đối tượng theo luật định không phải ở đâu và lúc nào cũng được thực hiện chặt chẽ. Thêm nữa, nguồn lực con người thì hạn chế, còn thiếu và yếu trong khi lại làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố rủi ro nghề nghiệp đặc thù. Vì thế, theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) các quy định trong dự thảo chưa sát với tình hình thực tế và mang ý chí của cơ quan soạn thảo chứ không phải của cơ quan thực hiện nhiệm vụ này. Chưa giải quyết được các điều kiện cần và đủ nên cơ quan soạn thảo cần phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng hơn.

Về trình tự thủ tục đưa người trên 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) nhất trí với quy định khi đưa đối tượng này đi cai nghiện bắt buộc phải do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định, trên cơ sở tham khảo ý kiến tư vấn và không coi đây là việc sử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, cần phải tính toán kỹ vì nếu chiếu theo Luật trẻ em thì sẽ nảy sinh những vướng mắc: “Cần làm rõ thêm quy định cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp vì chiếu theo Luật trẻ em có quy định trách nhiệm liên quan đến rất nhiều cơ quan. Nên chăng chúng ta cần mở rộng thêm đối tượng cần tham khảo, ví dụ như: công an, đoàn thanh niên, phòng giáo dục cùng cấp hoặc nhà trường nơi trẻ em đang học tập để việc cai nghiện cho các em có hiệu quả hơn”.

Cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng sẽ giúp người nghiện không bị tách rời gia đình, xã hội, giúp họ không bị mặc cảm và có thể dễ dàng hòa nhập với cộng đồng sau cai nghiện. Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng, cần phải xác định những bất cập hiện nay để sửa đổi, bổ sung những quy định mới cho phù hợp: “Thực tế những người nghiện thường khó có ý thức tự cai nghiện. Do đó, cần bổ sung vai trò của gia đình trong việc cai nghiện cho người thân của mình. Mặt khác, cơ quan cung cấp dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng cần quy định cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất, trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ cũng như điều kiện đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực có người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình”.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, cai nghiện ma túy tại cộng đồng là cách tiếp cận mới. Tuy nhiên, việc sửa đổi và triển khai luật như thế nào thì cần có những rà soát, đánh giá kỹ càng và chi tiết, để bảo đảm phù hợp với thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật khác có liên quan.