Vườn quốc gia Xuân Thủy thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là một vùng bãi bồi rộng lớn nằm ở phía Nam cửa Sông Hồng, với tổng diện tích khoảng 15 nghìn ha. Năm 1988, Vườn quốc gia Xuân Thủy chính thức được quốc tế công nhận là khu Ramsar. Đây là bãi vùng triều cửa sông ven biển có diện tích rừng ngập mặn lớn, điển hình nhất cho hệ sinh thái ven biển khu vực đồng bằng sông Hồng.
Vườn quốc gia Xuân Thủy bao gồm vùng lõi 7.100 ha và vùng đệm rộng 7.233 ha trải dài trên địa 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải. Tháng 10/2004, UNESCO công nhận Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng quan trọng số một của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, điều đó đã khẳng định vị thế quốc tế đặc biệt của Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Xác định được vai trò và tầm quan trọng của vùng đất ngập nước này, nhiều năm qua, Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Để bảo vệ lá phổi xanh của khu vực, những năm qua, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy cùng chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng môi trường bền vững, trong đó tập trung tuyên truyền những quy định của nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, để phát triển thủy sản bền vững, tỉnh Nam Định đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách, định hướng về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và các bộ ngành liên quan.
Thời gian qua, Vườn quốc gia Xuân Thủy đang phải đối mặt với tình trạng bị phá hủy do các hộ dân nuôi tôm trong vùng rừng đệm và vùng lõi của Vườn quốc gia tự ý chuyển đổi sang nuôi ngao đã làm thay đổi cảnh quan sinh thái, điều kiện tự nhiên môi trường, làm chết cây rừng.
Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy và chính quyền địa phương đã có một số biện pháp tăng cường giám sát, quản lý nhưng chưa thực sự hiệu quả. Thực tế này đòi hỏi phải có những phương án hợp lý và cam kết duy trì lâu dài, đặc biệt là có sự chung tay của cộng đồng và nhận thức của chính người dân. Vì vậy, các tổ tự quản bảo vệ rừng ngập mặn đã được thành lập nhằm khai thác, bảo vệ rừng ngập mặn hợp lý.
Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy cũng ra quy chế cho bà con chỉ được bắt các loài tôm cua cá như: cá bớp, cá nhệch, chỉ được khai thác ngao giống từ tháng 4 đến tháng 7, không được lấy củi chặt phá rừng, xây dựng quy chế quản lý khai thác nguồn lợi ngao giống tại cửa sông Hồng, thực hiện giải pháp cộng đồng tham gia quản lý rừng ngập mặn.
Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy cùng nhiều tổ chức quốc tế cũng đã xây dựng các mô hình sinh kế mới nhằm tạo ra công ăn việc làm, gia tăng giá trị từ rừng cho người nông dân như: trồng nấm, nuôi ong, nuôi ngao bền vững...
Với nghề sản xuất mật ong từ rừng sú vẹt, vườn đã phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ quản lý, chăm sóc đàn ong cũng như tìm hiểu về nguồn hoa nuôi ong, cách thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm từ cuối tháng 4 đến tháng 7 có khoảng từ 6000-8000 đàn ong được người dân mang vào vườn để thu hoạch mật hoa sú, vẹt, với sản lượng dự kiến 80-100 tấn/năm. Vườn Quốc gia Xuân Thủy cũng đã chuyển giao sinh kế trồng nấm cho cộng đồng các xã vùng đệm. Hiện tại có 20-30 hộ tham gia, với nguồn thu nhập ổn định từ 60-70 triệu mỗi năm./.