Các loại bánh handmade (hay còn gọi là bánh "nhà làm") hiện có xu hướng lên ngôi đối với một số người tiêu dùng ưa chuộng ẩm thực truyền thống. Ngoài ra, một trong những lý do khiến các loại thực phẩm gắn mác handmade “hút khách” còn là bởi thực phẩm này được cho là chế biến sạch sẽ, an toàn. Tuy nhiên, mới đây, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã khiến dư luận không khỏi tranh cãi khi nêu quan điểm “bánh nhà làm chỉ nên để nhà ăn”, bởi tiềm ẩn những nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm do điều kiện chế biến, không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, sản phẩm dễ bị hỏng do bảo quản không tốt...
ThS.BS Nguyễn Hoài Thu, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho rằng thị trường thực phẩm “nhà làm” ở nước ta rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên có sạch, có an toàn như các lời quảng cáo hay không thì chưa có kiểm chứng… "Nếu chỉ sử dụng trong gia đình thì khá yên tâm. Thế nhưng nếu sản xuất với quy mô lớn thì các thực phẩm handmade đôi khi không đáp ứng được một số quy chuẩn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế, rủi ro về an toàn thực phẩm cũng là rất lớn".

Hàng "nhà làm", chiếu theo quy định của pháp luật về hàng hóa, đa phần không có gì ngoài niềm tin. Bởi thực tế, các thực phẩm dạng này hầu hết đều không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, kể cả hạn sử dụng. Và như vậy, một chữ tín thôi sẽ là chưa đủ…
"Các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được kiểm soát một cách nghiêm ngặt hơn. Bởi vì khi đó sẽ liên quan đến câu chuyện sức khỏe của cộng đồng. Người sản xuất cần phải cẩn thận hơn, đặc biệt là nguyên vật liệu phải đảm bảo được nguồn gốc, có giấy tờ rõ ràng. Bên cạnh đó khâu chế biến cũng phải lựa chọn các đồ dùng, dụng cụ chế biến đảm bảo vệ sinh. Cùng với quy trình đó thì khâu vận chuyển, đóng gói cũng rất quan trọng trong việc đưa tới người tiêu dùng sản phẩm an toàn". ThS.BS Nguyễn Hoài Thu lưu ý.

Chẳng ai cấm hàng "nhà làm" để dùng, nhưng khi đã thương mại, dù là bán ở quy mô hẹp cho bạn bè, người quen thì cũng phải tuân thủ những nguyên tắc tối thiểu về an toàn thực phẩm. Đó là trách nhiệm với người tiêu dùng và với chính bản thân người làm ra sản phẩm.
"Trước tiên các hộ sản xuất cần có ý thức, phải có đăng ký kinh doanh để có thể hỗ trợ một phần cho nhà nước trong việc kiểm soát nguồn thực phẩm một cách dễ dàng. Thứ hai, các cơ quan quản lý cần chia ra những đợt kiểm tra đột xuất cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn đối với loại thực phẩm này, đặc biệt trên các trang mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử", BS Nguyễn Hoài Thu nêu quan điểm.
Đã đến lúc cần phải có một bộ tiêu chuẩn cụ thể đối với các sản phẩm “nhà làm” khi lưu hành trên thị trường, như là giấy chứng nhận vệ sinh, kiểm nghiệm định kỳ, truy xuất nguồn gốc… thay vì chỉ dựa vào chữ tín hay niềm tin. Có như vậy, các sản phẩm “nhà làm” mới đảm bảo đáp ứng các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, vì sức khỏe người tiêu dùng./.