Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Mục tiêu là phát triển hệ thống GTVT xanh, hướng tới phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Thực hiện chương trình này, ngành giao thông vận tải Hà Nội đã xây dựng lộ trình chuyển đổi riêng. Theo đó, giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới hoặc thay thế xe cũ sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45 - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết đây là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững. Hà Nội sẽ đạt được kế hoạch cũng như lộ trình đặt ra, bởi việc xanh hóa giao thông đã được chính quyền thủ đô đặt ra và triển khai từ sớm. “Hiện Hà Nội đã có hơn 140 phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch”, ông Thành cho biết.
Thống kê cho thấy Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt sử dụng khí thiên nhiên nén CNG, xe buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng… Theo ông Phan Trường Thành, đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội tiến hành xanh hóa giao thông. Dẫu vậy, để đạt được mục tiêu, kế hoạch đặt ra, Hà Nội vẫn đối mặt với nhiều thách thức. “Rào cảnh lớn nhất khi chuyển đổi là hạ tầng. Khi chuyển đổi chúng ta phải có nguồn lực về tài chính vì chi phí mua sắm xe buýt điện đắt gấp 3 lần xe buýt sử dụng động cơ diesel. Hơn nữa, toàn bộ xe buýt hiện hành đang trong giai đoạn đấu thầu, đặt hàng, không thể thay đổi ngay được”, ông Thành chia sẻ.
Việc sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển đã trở thành thói quen, ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Đây cũng là một trong những rào cản rất lớn đối với kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải Hà Nội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải giao thông công cộng Hà Nội, cho rằng khi chất lượng dịch vụ tăng lên, việc đi lại thuận tiện hơn thì chắc chắn người dân sẽ chọn phương tiện công cộng sử dụng năng lượng sạch để di chuyển thay cho phương tiện cá nhân. “Tôi thấy mạng lưới phương tiện giao thông công cộng đang được hoàn thiện theo hướng tích cực, phương tiện sạch ngày càng được đưa vào nhiều hơn, đa dạng hơn. Sự thay đổi này sẽ khiến người dân sẽ thay đổi thói quen, tiếp cận những dịch vụ mới thuận tiện, văn minh hơn”, ông Hải nêu quan điểm.
Nhìn vào kế hoạch, lộ trình và quyết tâm “xanh hóa giao thông” của Hà Nội, ông Vũ Anh Tuấn, giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải cũng tin rằng giao thông của thủ đô sẽ chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Theo ông Tuấn, phát triển giao thông xanh là hướng đi đúng để nâng cao chất lượng không khí cũng như cuộc sống của người dân thủ đô. Để đạt được lộ trình và mục tiêu đề ra, ông Tuấn cho rằng Hà Nội cần điều chỉnh một số chính sách hiện hành nhằm tạo thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực. “Hiện vẫn còn một số bất cập khiến việc huy động nguồn lực phát triển hệ thống giao thông thông minh gặp khó khăn. Tôi cho rằng chúng ta phải xây dựng các chính sách vĩ mô, đưa ra lộ trình thực hiện, Hà Nội có chính sách riêng cho nội đô trong việc huy động nguồn lực phát triển hệ thống giao thông theo hướng xanh hóa”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Xây dựng giao thông xanh, phương tiện thân thiện với môi trường đang là mục tiêu của nhiều địa phương. Đây là chìa khóa, giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề ô nhiễm đô thị và quá tải hạ tầng giao thông. Để đảm bảo Hà Nội phát triển nhanh và bền vững, Luật thủ đô sửa đổi cũng đã có những điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thực hiện việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch. Tin rằng giao thông của Hà Nội sẽ ngày càng xanh, sạch và thuận tiện hơn.
Nghe bài viết dưới đây: