Sở hữu vị trí đẹp, lại chứa đựng những giá trị về lịch sử nên vườn hoa Hàng Đậu, thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội thu hút lượng lớn người dân tới vui chơi, thư giãn. Tuy nhiên, theo năm tháng, một số hạng mục bị xuống cấp, ảnh hưởng đến mỹ quan, thậm chí gây nguy hiểm cho người tới tản bộ. Trước thực trạng này, chính quyền quận Ba Đình đã quyết định dành một phần kinh phí để cải tạo, nâng cấp. Không chỉ xanh, sạch hơn, vườn hoa Hàng Đậu còn là điểm nhấn của quận Ba Đình khi trở thành vườn hoa đầu tiên có biểu diễn nhạc nước nghệ thuật với 52 điểm phun được chia thành 4 hàng. Hiệu ứng phun và màu sắc thay đổi theo giai điệu. Thường xuyên lui tới nơi này tập thể dục, bà Nguyễn Thị Mai, ở phường Quán Thánh, cho biết từ khi được đầu tư, nâng cấp, môi trường ở khu vực này cũng chuyển biến tích cực. “Trước đây, vườn hoa này có những thời điểm bẩn lắm. Từ ngày được cải tạo, tôi thấy lúc nào cũng sạch sẽ, các cháu nhỏ ra đây vui chơi đông hơn”, bà Mai cho biết.

Ông Đỗ Hà Thanh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cho biết, Ba Đình là quận có số lượng vườn hoa nhiều “nhất - nhì” Hà Nội. Đây cũng là quận có mật độ dân số cao, thiếu không gian xanh. Chính vì thế, thời gian qua, bên cạnh việc cải tạo không gian công cộng, chính quyền còn quan tâm, nâng cấp vườn hoa. Đến nay, một nửa trong số các vườn hoa trên địa bàn đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp mà vườn hoa Hàng Đậu là một trong số đó. Việc làm này cũng xuất phát từ mong muốn và kiến nghị của người dân. “Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi lắng nghe ý kiến và biết người dân có nhu cầu cao về không gia công cộng, nơi vui chơi, tập thể dục nên quyết tâm làm để người dân thụ hưởng”, ông Thanh chia sẻ.

“Đất chật người đông” nên thời gian qua, quận Hoàn Kiếm cũng tiến hành chỉnh trang 4 vườn hoa gồm: vườn hoa Lý Thái Tổ; vườn hoa 19/8; vườn hoa Cổ Tân và vườn hoa Cửa Nam. Trên một số tuyến phố, đơn vị chức năng còn đặt thêm chậu hoa và trồng bổ sung cây xanh. Ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết khi được cải tạo, nâng cấp, các con đường, tuyến phố trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Đặc biệt, dù không gian nhìn văn minh, hiện đại hơn nhưng không làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội. “Những vườn hoa trên địa bàn quận đều gắn liền với lịch sử thủ đô. Vì thế, quận yêu cầu nghiên cứu kỹ để khi cải tạo phát sẽ huy được các giá trị về lịch sử và kiến trúc”, ông Tùng chia sẻ.

Không chỉ khu vực trung tâm, những vườn hoa như Pasteur, vườn hoa hồ Thiền Quang thuộc quận Hai Bà Trưng, vườn hoa Lý Tự Trọng, thuộc quận Tây Hồ; vườn hoa Ngọc Lâm trên địa bàn quận Long Biên cũng được đầu tư cải tạo. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, so với những lần chỉnh trang trước đây, lần này chính quyền Hà Nội triển khai nhanh hơn. Việc cải tạo cũng được tiến hành cẩn trọng hơn, không làm ảnh hưởng đến kiến trúc tổng thể của khu vực lân cận. “Tôi thấy, khi tiến hành cải tạo, cơ quan chức năng có nghiên cứu, thiết kế kỹ, không chỉ cho riêng vườn hoa mà cho cả không gian chung của khu vực lân cận”, ông Ánh đánh giá.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có 63 công viên, vườn hoa. Trong số này, một số công viên, vườn hoa vẫn đang trong quá trình nâng cấp, cải tạo. Dự kiến, trong năm 2025 sẽ tiếp tục hoàn thành 11 công viên, vườn hoa còn lại… Kế hoạch này khi hoàn thành hứa hẹn sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho thủ đô - Hà Nội xanh, sạch và đẹp hơn.

Nghe bài viết dưới đây: