Đại dương tạo ra ít nhất 50% lượng oxy của hành tinh, là nguồn protein chính cho hơn một tỷ người trên thế giới. Chưa kể, đại dương là chìa khóa cho nền kinh tế của chúng ta với ước tính khoảng 40 triệu người sẽ làm việc trong các ngành công nghiệp dựa trên đại dương vào năm 2030.
Bất chấp tất cả những lợi ích của nó, đại dương hiện đang cần được hỗ trợ. Với 90% quần thể cá lớn cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy, chúng ta đang lấy đi nhiều thứ từ đại dương hơn mức được bổ sung. Nhưng hiểu biết của chúng ta về đại dương còn rất hạn chế so với sự rộng lớn, bao la của đại dương. Chính vì vậy, năm 2008, Liên Hợp Quốc chính thức công nhận ngày 8 tháng 6 hàng năm là Ngày Đại dương thế giới, với mong muốn nhắc nhở mọi người về vai trò quan trọng của đại dương trong cuộc sống hàng ngày, từ đó cùng chung tay hành động để bảo tồn, phát triển bền vững đại dương. Và Chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2024 là “Hiểu biết sâu sắc hơn về đại dương”.

Với chủ đề này, Ngày Đại dương thế giới năm 2024 vừa qua đã kêu gọi các quốc gia và tổ chức cùng khám phá, đánh thức những hiểu biết về đại dương; cùng nỗ lực thay đổi để bảo vệ đại dương, vì một đại dương xanh và bền vững. Muốn bảo vệ môi trường biển và đại dương, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Đó cũng là thông điệp mà nhiều địa phương có biển đang nỗ lực mỗi ngày. Theo ông Lê Đại Thắng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng ta phải phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Đồng thời, cần bảo tồn sự đa dạng sinh học của các hệ sinh thái biển. “Bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái, giữa kinh tế và tự nhiên, giữa bảo vệ và phát triển, giữa lợi ích của các địa phương có biển với các địa phương không có biển”, ông Thắng cho biết thêm.

Đại dương cần thiết cho cuộc sống của con người và có tác đụng điều hòa khí hậu và phát triển kinh tế. Chúng ta cần thúc đẩy việc bảo vệ việc khai thác và bảo tồn nguồn tài nguyên phong phú của đại dương cho các thế hệ mai sau. Vì vậy, điều cần thiết hiện nay là chúng ta cần chung tay hành động nhằm hồi sinh đại dương, mang lại sức sống mới cho đại dương, qua đó kiến tạo tương lai bền vững của con người và hệ sinh thái biển như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân. Bảo vệ sức khỏe của đại dương chính là bảo đảm bền vững để giải quyết các vấn đề tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng xã hội, an ninh lương thực, sinh kế, việc làm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia dễ bị tổn thương.
Phục hồi hệ sinh thái biển nhằm bảo vệ và cải thiện sinh kế cho con người, đồng thời bảo vệ sự sống và sự đa dạng sinh học ở mỗi quốc gia, lãnh thổ. Để làm được điều đó bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của biển, đảo; cần chú trọng phát triển nuôi biển xa bờ tại các đảo tiền tiêu; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái. PGS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định, biển Việt Nam giàu và đẹp, các không gian biển của nước ta rất lớn. Theo giáo sư Hồi, các giá trị dịch vụ, các giá trị chức năng cũng giá trị phi vật thể không nhìn thấy của tài nguyên biển dường như chúng ta ít để ý tới và chưa khai thác nhiều. Đây chính là nền tảng để phát triển bền vững và là nền tảng để phát triển kinh tế sạch.

Bên cạnh việc tuyên truyền cần có chế tài để có thể tạo ra động lực cho mọi người như phân tích của ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Tuấn cho biết, chúng ta đưa ra các quy định nhưng các chế tài bắt buộc phải thực thi các quy định này chưa thực sự được chú trọng. Chúng ta chưa có những chế tài cụ thể để các chế tài của chúng ta có tính răn đe và tăng hiệu lực.
Những nỗ lực này không chỉ nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng tới những thay đổi tích cực trong bảo vệ biển và đại dương, phù hợp với Chiến lược Phát triển Bền vững Kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của nước ta./.