Dù tập luyện thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu không có kiến thức và phương pháp phù hợp, người tập rất dễ gặp chấn thương, thậm chí gây hậu quả lâu dài.

Là nhân viên văn phòng và thường xuyên phải ngồi làm việc lâu trước máy tính, anh Lưu Đức Hiếu, 30 tuổi ở TP Hải Dương đã tập gym nhiều năm nay để cải thiện sức khỏe. Anh cho biết thường tự tập theo các video hướng dẫn trên kênh Youtube. Tuy nhiên, hồi mới bắt đầu do chưa hiểu biết đầy đủ, anh tự điều chỉnh hạng cân khi kéo tạ và đã bị chấn thương. Từ đó, anh Hiếu cẩn trọng hơn, không dám vượt quá giới hạn của cơ thể thêm một lần nào nữa.

Cũng do tập gym cường độ cao, Nguyễn Phương Chi, 20 tuổi, là sinh viên tại Hà Nội từng phải chịu những cơn đau kéo dài hàng tuần. Phương Chi cho biết, vì muốn giảm cân nhanh nên Chi đã tự ép bản thân tập luyện với cường độ cao.

Là huấn luyện viên thể hình tại một phòng tập lớn ở quận Tây Hồ, Hà Nội, chị Thu Phương đã gặp nhiều khách hàng có tâm lý muốn đốt cháy giai đoạn tương tự như Phương Chi. Do đó, chị Thu Phương cho rằng, đối với những người mới bắt đầu tập, việc tìm hiểu kỹ về phương pháp tập luyện và lựa chọn cường độ phù hợp với bản thân là điều rất cần thiết. Thay vì chạy theo kết quả nhanh chóng, việc đảm bảo an toàn để có thể duy trì việc tập luyện lâu dài và hiệu quả mới là mục tiêu đặt lên hàng đầu.

Không chỉ có nguy cơ chấn thương, các chuyên gia y tế cảnh báo, một hội chứng nguy hiểm có thể xảy ra do vận động quá sức khi tập thể dục là tiêu cơ vân. Mới đây, một cơ sở y tế ở Hà Nội đã ghi nhận trường hợp nam thanh niên 22 tuổi nhập viện trong tình trạng đau nhức toàn thân, tiểu ít và sậm màu sau ba ngày tập squat cường độ cao và được bác sĩ chẩn đoán bị tiêu cơ vân cấp.

BS Trần Nam Chung Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện E cho biết, tiêu cơ vân cấp là tình trạng tối cấp cứu bởi có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ quan nội tạng và để lại những di chứng nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng.

“Nếu chúng ta tập luyện cường độ cao hay khi tình trạng sức khỏe không đảm bảo hoặc vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ gây ra thiếu oxi bên trong các tế bào cũng như dẫn đến tình trạng thiếu nước, mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Từ đó có thể dẫn đến các chấn thương như rách màng cơ, rách bao gân, bao cơ hoặc nặng hơn nữa thì gây vỡ tế bào cơ. Việc các tế bào cơ bị vỡ sẽ giải phóng các men ở bên trong tế bào vào máu và khiến hệ tuần hoàn bị quá tải. Tiếp theo sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy như là bị đau cơ hoặc nguy hiểm hơn có thể gây ra suy thận cấp, sốc, nhồi máu cơ tim, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng” - BS Trần Nam Chung giải thích.

Vì tiêu cơ vân là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, làm thận tổn thương trầm trọng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bác sĩ Trần Nam Chung khuyến cáo khi thấy có những dấu hiệu bất thường trong và sau khi tập luyện, mọi người nên đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và can thiệp sớm.

“Thông thường, khi tập luyện thể dục thể thao, chúng ta thường cho rằng phải đau mỏi cơ, phải ra mồ hôi thì mới gọi là tập luyện đúng nghĩa, nếu không đau mỏi có nghĩa là tập chưa đủ. Tuy nhiên, việc đau nhức cơ thường chỉ gặp ở những người mới bắt đầu tập hoặc mới quay trở lại tập luyện sau một thời gian tạm dừng và chỉ kéo dài một vài ngày. Nếu đã tập luyện lâu ngày và thường xuyên thì việc đau mỏi cơ không được coi là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả. Chúng ta nên lắng nghe cơ thể để phát hiện sớm các dấu hiệu của hội chứng tiêu cơ vân cấp. Nếu thấy đau mỏi cơ kéo dài, vượt quá sức chịu đựng, gây sưng, phù nề các cơ, có thể có các biểu hiện kèm theo như là nước tiểu sẫm màu, đậm đặc, mệt mỏi, chóng mặt, choáng ngất... thì đấy là những dấu hiệu mà chúng ta cần phải lưu ý. Đặc biệt là những trường hợp đã ảnh hưởng đến tinh thần, đến tri giác… thì cần phải đến ngay cơ sở y tế” – BS Trần Nam Chung nhấn mạnh.

Nhiều người thường nghĩ chỉ những môn thể thao cường độ cao, đòi hỏi gắng sức nhiều mới dẫn đến nguy cơ tiêu cơ vân cấp. Song bác sĩ Trần Nam Chung cho rằng, bất cứ môn thể thao nào cũng có thể gây ra hội chứng này nếu chúng ta tập luyện vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Đặc biệt, những người có bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh về nội tiết, bệnh lý tuyến giáp thì các thuốc điều trị bệnh cũng làm tăng nguy cơ tế bào bị phá vỡ ngay cả khi vận động ở mức trung bình.

“Để để đảm bảo mục tiêu nâng cao sức khỏe cũng như đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị tiêu cơ vân cấp, trước khi tập luyện hoặc tham gia thi đấu thể thao, chúng ta cần tiên lượng mức độ, cường độ sử dụng sức lực hoặc cơ bắp của môn thể thao đó để cân nhắc xem tình trạng sức khỏe của bản thân có phù hợp hay không? Đôi khi, chúng ta cũng cần thăm khám cũng như tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc các bệnh lý nền hoặc các thuốc đang sử dụng liệu có nguy cơ ảnh hưởng hay không khi tham gia một môn thể thao có cường độ mạnh. Bên cạnh đó, trước khi tập luyện, bạn nên khởi động kỹ, nên quan tâm đến cảm nhận trong cơ thể để phát hiện sớm nguy cơ biến chứng hoặc là các tai nạn có thể xảy ra trong đó có hội chứng tiêu cơ vân cấp” – BS Trần Nam Chung hướng dẫn./.