Cùng với tốc độ đô thị hoá nhanh, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp thiết, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và mỗi người dân. Phụ nữ được coi là chủ thể quan trọng của công tác bảo vệ môi trường bởi sự ảnh hưởng tới các thành viên trong gia đình. Vì vậy, thời gian qua, bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa đã trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.
- Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn, trong đó chỉ có khoảng 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% được chôn lấp trực tiếp.
- Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia công bố năm 2020 cho thấy, qua phân tích thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, chất hữu cơ có khả năng phân huỷ sinh học chiếm tỷ lệ cao từ 80-96%, thành phấn giấy và kim loại thay đổi tuỳ thuộc vào nguồn phát sinh. Lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8-12% và có xu hướng tăng dần theo từng năm.
- Hiện chưa có địa phương nào có mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoàn thiện đạt tất cả các tiêu chí về kỹ thuật kinh tế và môi trường.
Theo bà Hoàng Thu Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội, phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn là một biện pháp quan trọng để giảm thiểu tác hại tới môi trường. Tuy nhiên vẫn rất khó thực hiện trong thực tiễn cho đến thời điểm này. Hiện nay, sự đồng bộ của các cơ quan, đơn vị tổ chức, chính quyền tại địa phương vẫn chưa ăn khớp với nhau nên dẫn đến việc chúng ta rất tích cực trong việc tuyên truyền về vấn đề này cho các cơ sở kinh doanh cũng như hộ dân, cá nhân tập thể nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.
Năm 1996, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã phát động phong trào “Vì môi trường Thủ đô trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác phế thải ra đường và nơi công cộng” và phong trào vẫn được duy trì suốt 28 năm qua. Đã có rất nhiều hoạt động diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài, với mỗi một thời kỳ phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng có những cái cách làm và mô hình sáng tạo để phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn. Đặc biệt, có nhiều mô hình mà phụ nữ Thủ đô triển khai rất hiệu quả và đã trở thành thương hiệu.
Đầu tiên là mô hình “biến những điểm chân rác thành vườn hoa”, “trạm rác văn minh” hay là “những ngôi nhà xanh”. Hội thu gom những chai nhựa, vỏ lon, giấy báo bìa, pin không sử dụng để tái chế rồi bán lấy kinh phí hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố...
Ngoài ra, Hội tuyên truyền cho cán bộ hội viên cơ sở phân loại và xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình. Mô hình này đã triển khai ở 18 huyện trên địa bàn thành phố. Từ đó, chị em có sản phầm là phân hữu cơ để phục vụ cho nông nghiệp... Cùng với đó còn rất nhiều mô hình khác như “Tết trồng cây, phụ nữ vườn vun trồng tương lai”, mỗi phụ nữ trồng ít nhất một cây với mong muốn sẽ lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và góp phần đem đến cho tương lai của Thủ đô có nhiều cây xanh bóng mát hơn.
Không chỉ Hội LHPN Hà Nội mà nhiều cấp Hội Phụ nữ ở các địa phương trên cả nước cũng đã xây dựng được nhiều mô hình, cách làm hay, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Có thể kể đến các mô hình: “Biến điểm rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Đoạn đường/tuyến phố bích họa, nở hoa do phụ nữ tự quản”, “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, “Biến rác thành tiền”, “Phụ nữ 5 không 3 sạch”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Mỗi phụ nữ trồng một cây xanh”… Các hoạt động này đều được chị em và người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Hiện nay, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn mới chỉ được triển khai thực hiện tại một số địa phương và còn mang tính khuyến khích, do đó hiệu quả chưa như mong muốn. Như vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt… Cần có thêm cơ chế, chế tài phù hợp. Và việc nâng cao ý thức của người dân là rất quan trọng - Bà Hoàng Thu Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Mời quý vị nghe bài viết tại đây: