Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong 10 năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh; thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược".
Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
10 năm phòng chống tham nhũng: Những con số biết nói
Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, kiến nghị xử lý hơn 2.000 văn bản có sơ hở pháp luật.
Cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt 41,3%.
Chia sẻ với PV VOV2, GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới cho rằng: Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thể hiện quyết tâm cao, bằng những hành động cụ thể của Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hàng loạt cán bộ vi phạm bị xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng, tạo niềm tin với nhân dân.
TS Võ Đại Lược cũng nhấn mạnh vai trò và sự đóng góp của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương, kể từ khi thành lập vào năm 2012. Sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Chỉ đạo thể hiện ở sự kiên trì, kiên quyết "không dừng, không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" và không chịu bất kỳ sức ép của cá nhân, tổ chức nào không trong sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo.
“Hàng chục năm nay, đây có thể xem là lần đầu tiên chúng ta tiến hành công cuộc chống tham nhũng mà đạt được những kết quả tích cực như vậy. Tuy nhiên, có thể nói rằng, hiện số người tham nhũng chưa bị phát hiện, xử lý, còn đứng ngoài vòng pháp luật vẫn còn con số khá lớn. Những người đấy là cán bộ của các cấp khác nhau”. Khẳng định điều này, TS Võ Đại Lược cho rằng xử lý quyết liệt vấn đề tham nhung là cần thiết nhưng cũng phải tìm rõ nguyên nhân đẻ ra tham nhũng để kiểm soát tại gốc thì công cuộc này mới hiệu quả.
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh - đáp ứng tình hình thực tiễn xã hội
Tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn và thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh. Và mới đây, ngày 2-6, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 67 về về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nêu quan điểm về việc này, TS Võ Đại Lược khẳng định: Hiện nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước Việt Nam, xác định là một việc quan trọng, cấp thiết. Bởi vậy việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là một việc làm đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội, mang lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tính tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Không những thế, theo TS Lược, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, chưa kể tâm lý “né tránh va chạm”, coi việc phòng, chống tham nhũng “là việc của Trung ương”, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh trực tiếp vào cuộc, tạo nên mạng lưới từ trên xuống, thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
TS Võ Đại Lược cũng đặc biệt nhấn mạnh, việc quy định Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành vừa tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo, lãnh đạo, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, vừa góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ ra các nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cần phải làm ngay sau khi thành lập, TS Lược chỉ rõ:
Việc đầu tiên là ban chỉ đạo cấp tỉnh cần chọn ngay một số vụ tham nhũng tương đối điển hình nhất của địa phương để xử lý một cách nghiêm khắc.
Thứ hai phải công khai, minh bạch tất cả các quyết định có liên quan như xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách về đất đai, việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Việc công khai minh bạch này sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tham nhũng có thể nảy sinh.
Thứ ba là các cấp chính quyền địa phương phải phát huy tối đa công tác giám sát, phản biện của các tổ chức đoàn thể chính trị, cơ quan mặt trận và đặc biệt là vai trò giám sát của chính người dân.
Thứ tư phải phát huy mạnh mẽ chế độ dân chủ cơ sở mà Đảng đã đưa ra. Ông Lược cho rằng hiện nay dân chủ ở cơ sở chưa đúng mức nên người dân chưa mạnh dạn tham gia ý kiến hoặc phản biện những vấn đề xã hội nổi cộm.
“Chắc chắn trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các tỉnh, thành phố, các địa phương sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, lấy lại niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", TS Võ Đại Lược kỳ vọng.