Mấy ngày nay, mặt hàng thịt lợn tuy chưa có đột biến như dịp cận Tết nhưng giá cả lại đang “nóng” lên từng ngày. Chị Lê Thị Lan- chủ một sạp bán thịt lợn tại chợ dân sinh tại thị trấn Văn Điển – Thanh Trì – Hà Nội cho biết, mỗi cân thịt lấy vào đã trên mức trăm ngàn đồng: “Thịt lợn tăng giá cả tháng nay rồi, giá lấy vào đã tăng khoảng 120-130 nghìn đồng/kg, vài hôm nữa có khi còn tăng đến 150 -170.000đ/kg ngày 30 Tết thì chắc chắn có giá lên cao nhất”.

Đối với người tiêu dùng, đắt thì ăn ít, rẻ thì ăn nhiều. Tuy nhiên, với các chủ cơ sở sản xuất các sản phẩm liên quan đến thịt lợn, như giò chả, xúc xích…giá thịt lên xuống ra sao sẽ tác động trực tiếp đến công việc kinh doanh của họ.

Trong dịp này, mặc dù thị trường thịt lợn vẫn đang đà tăng, nhưng đại diện Bộ NN và PTNT khẳng định sẽ không để thiếu thịt lợn và tăng giá đột biến vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tại sao ngành chức năng lại nhận định như vậy? Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng: “Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Chăn nuôi sẽ nắm rõ nhất tình hình chăn nuôi và cung ứng thịt lợn dịp Tết nên mới có thể đưa ra nhận định trên. Thêm vào đó, tỷ lệ tái đàn trên cả nước trong năm qua đạt hơn 80%, tương ứng khoảng hơn 27 triệu con lợn. Sản lượng thịt, thịt lợn, gia súc, gia cầm ước đạt khoảng 5,5 triệu tấn. Như vậy có thể thấy lượng thịt cung cấp cho thị trường Tết khá dồi dào và nếu giá thịt lợn có tăng thì cũng không tăng nhiều”.

Tuy nhiên, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cũng tỏ ra lo ngại khi giá thịt lợn tại Trung Quốc đang tăng gần gấp 2 lần so với nước ta. Vì vậy, theo ông Thủy, việc quản lý tốt đường biên là yếu tố quan trọng tránh tình trạng thu mua lợn từ Việt Nam rồi chuyển qua biên giới khiến giá thịt trong nước tăng cao.

Để mua được thịt lợn có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khuyến cáo người tiêu dùng nên mua tại các siêu thị, các hệ thống thực phẩm an toàn và tại những cơ sở có uy tín.