PV: Thưa TS Vũ Duy Ánh, thời gian qua, theo quan sát đánh giá của ông, việc sử dụng nguồn quỹ công đoàn đã thực sự đảm bảo tính công khai minh bạch?
TS Vũ Duy Ánh: Khác với 5 tổ chức chính trị xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) hầu hết dựa vào ngân sách Nhà nước do đó nguồn thu cũng như sử dụng phải tuân thủ theo yêu cầu công khai minh bạch của sử dụng ngân sách Nhà nước.
Riêng đối với kinh phí công đoàn, với mức trích lập 2% như hiện nay thì có tính chất là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Và đến nay các quy định, quy chế công khai minh bạch đối với quỹ tài chính ngoài ngân sách khá phân tán, không thống nhất và thiếu rõ ràng. Chính vì vậy nền tảng pháp lý đối với việc công khai minh bạch đối với Quỹ công đoàn là chưa thật sự đảm bảo yêu cầu.
Vấn đề thứ 2, nhiệm vụ chi của các cấp công đoàn hiện nay hầu hết vẫn thiết kế dựa trên hàng chục năm tồn tại của hệ thống công đoàn ở Việt Nam. Có khá nhiều nhiệm vụ chi mà tôi cho rằng không còn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, cách đây 3 năm được, tôi biết rằng hơn 16 ngàn tỷ đồng kinh phí công đoàn không được sử dụng và được gửi tại hệ thống ngân hàng. Rõ ràng thu nhưng không chi được. Vậy có nên giảm mức thu hay không? Và mặc dù nguồn thu lớn, còn tồn đọng nhưng công đoàn cấp dưới không có nguồn kinh phí.
PV: Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đề xuất: kinh phí công đoàn là một sắc thuế nên phải có kế hoạch định kỳ hoặc thời gian nhất định để thanh tra, kiểm toán, thậm chí là báo cáo Quốc hội. Quan điểm của ông như thế nào?
TS Vũ Duy Ánh: Việt Nam hiện có 9 sắc thuế và không thể có thêm 1 sắc thuế gọi là kinh phí công đoàn được. Kinh phí công đoàn là một hoạt động rất bình thường. Chỉ có điều ở nhiều nước người ta có công đoàn độc lập và việc đóng góp kinh phí này hoàn toàn độc lập. Còn ở nước ta là Luật hóa, bắt buộc phải đóng.
Vấn đề thứ 2, tôi hoàn toàn ủng hộ việc thu – chi quỹ công đoàn này kể cả cấp cơ sở đến cấp Trung ương phải được kiểm toán, thậm chí kiểm toán hằng năm và đây là thực hiện kiểm toán Nhà nước chứ không phải kiểm toán độc lập, bởi vì đây là một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trị giá hàng chục tỷ đồng và liên quan đến quyền, trách nhiệm của hàng chục triệu lao động. Và một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, quỹ công đoàn không chỉ là vấn đề về tài chính, về an sinh mà nó mang 1 đặc điểm rất quan trọng đó là thể chế chính trị xã hội.
PV: Năm 2012 (thời điểm ban hành Luật Công đoàn hiện hành) quy định, kinh phí công đoàn đóng bằng 2% quỹ tiền lương. Hiện nay, quy mô nền kinh tế đã khác năm 2012. Theo ông có nên tiếp tục duy trì mức thu này?
TS Vũ Duy Ánh: Tiếp tục mức 2%, giảm xuống dưới 2% hay thậm chí tăng lên phụ thuộc vào một số yếu tố. Thứ nhất, phải xem lại chúng ta đã sử dụng quỹ công đoàn, tiền công đoàn phí đó như thế nào trong suốt thời gian qua. Nếu chúng ta tiếp tục để tồn đọng hàng chục tỷ đồng không sử dụng được thì hoàn toàn có lý do thuyết phục để giảm xuống.
Vấn đề thứ 2 là phải xác định lại nhiệm vụ chi của công đoàn. Có đại biểu đề cập nhiệm vụ chi trong giai đoạn Covid-19, tuy nhiên Covid -19 không phải năm nào cũng có nên không thể đem cái đó ra để thuyết minh rằng chúng ta phải tăng hay duy trì 2%. Quan trọng nhất là phải thay đổi nhiệm vụ chi của hoạt động công đoàn. Dựa vào nhu cầu chi, chúng ta mới tính toán được yêu cầu thu thì mới xác định được tỷ lệ là bao nhiêu.
Điểm thứ 3, quỹ phải công khai minh bạch và quản lý quỹ phải rất chặt chẽ kể cả câu chuyện về thu và chi. Việc Đại biểu QH đề nghị tách ra khu vực kinh tế tư nhân riêng và Nhà nước riêng lại vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong các hoạt động kinh doanh.
PV: Cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án quy định tỉ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa các cấp. Cụ thể, phương án 1 giao Chính phủ quy định cụ thể tỉ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Phương án 2: Xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%. Ông ủng hộ phương án nào thưa TS Vũ Đình Ánh?
TS Vũ Duy Ánh: Về nguyên tắc không cần thiết phải giao cho Chính phủ quy định tỷ lệ trích lập, phân chia này mà nên Luật hóa ngay trong Luật để nó đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực hết sức tránh hiện tượng lạm dụng, thậm chí là không công bằng trong vấn đề phân chia. Và 25% hay 75% thì chúng ta cũng phải luận giải cho rõ và tỷ lệ phân chia phải dựa trên chức năng nhiệm vụ. Nên ưu tiên và dành mức cao nhất cho công đoàn cấp cơ sở.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Xin mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và TS Vũ Đình Ánh tại đây: