Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Chỉ thị nêu rõ tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề...
Riêng địa bàn thành phố Hà Nội, mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới, các thông số môi trường nước các sông ở nội thành vượt giới hạn cho phép nhiều năm liên tục.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, song chủ yếu là: Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa đánh giá, nhận thức đầy đủ thực trạng, yêu cầu và còn xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường; việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường có nơi, có lúc còn thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt, chưa đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”, hiệu quả chưa cao; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe đối với một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; thiếu đồng bộ giữa quy định của pháp luật về môi trường với hạ tầng kỹ thuật, dân sinh.
Khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải phương tiện giao thông đường bộ
Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường bảo đảm cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm, kịp thời, có hiệu quả, đủ sức răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và phù hợp với thực tế tổ chức bộ máy của các cơ quan ở Trung ương, địa phương.
Khẩn trương hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương liên quan tích hợp dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi và thẩm quyền quản lý, tích hợp đồng bộ vào Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để phục vụ có hiệu quả ngay trong công tác quản lý nhà nước, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường (Hoàn thành trong năm 2025).
Bộ Xây dựng tập trung thực hiện có lộ trình cụ thể trong năm 2025 và các năm tiếp theo các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn, thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Thực hiện từ Quý III/2025).
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung các quy định để thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông (Hoàn thành trong Quý III/2025); rà soát tổng thể và bảo đảm có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động liên quan đến phát triển giao thông xanh (Hoàn thành trong Quý IV/2025).
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất và chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, việc nhập khẩu phương tiện, máy móc đã qua sử dụng, phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Có kế hoạch cụ thể thực hiện từ Quý III năm 2025).
Hà Nội: từ ngày 1/7/2026 không có xe môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ngoài việc triển khai các nhiệm vụ chung, cần triển khai một số giải pháp trọng tâm với lộ trình cụ thể như sau:
Về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị:
Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong Quý III/2025) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.
Cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện. Triển khai thực hiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội.
Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng (Ban hành trước ngày 30/9/2025).
Nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (Xây dựng lộ trình cụ thể từ Quý III/2025 và điều chỉnh hằng năm).

Thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01 tháng 7 năm 2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn:
Xây dựng, triển khai đề án xử lý ô nhiễm môi trường tại các đoạn sông, kênh, rạch khu vực nội thành; đề án thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, không lấy việc đẩy ô nhiễm sang khu vực khác thay cho xử lý ô nhiễm tại nguồn; phương án ứng phó khắc phục sự cố môi trường khẩn cấp đối với các nhà máy xử lý nước thải tập trung (xây dựng Đề án trong Quý III/2025) và quyết liệt thực hiện.
Xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách và có lộ trình cụ thể đến năm 2028 di dời các cơ sở sản xuất phát thải gây ô nhiễm ra khu sản xuất tập trung theo quy hoạch để bảo đảm xử lý nguồn thải theo quy định; thực hiện đầy đủ các quy định về tách riêng hệ thống thoát nước mưa với hệ thống thu gom, thoát nước thải; xử lý nghiêm các khu đô thị chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (Thực hiện từ Quý IV/2025).
Triển khai thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn… nằm trong Vành đai 1 (Thực hiện từ Quý IV/2025 và nhân rộng trong những năm tiếp theo).
Ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách kết hợp huy động các nguồn xã hội hóa và có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù cho các hoạt động tái chế, thu hồi năng lượng từ chất thải sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến hiện có tốt nhất; hình thành các khu vực công nghiệp tái chế và các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm giảm tỷ lệ rác thải phải chôn lấp, không để tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị (Thực hiện từ Quý IV/2025).