Nghe chương trình tại đây:
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, thế giới có tới 6,7 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, trong đó 5 triệu ca do các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi.
Ô nhiễm không khí không chỉ dừng lại ở các bệnh lý hô hấp, tim mạch, mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ, thai kỳ, làm tăng nguy cơ sinh non, nhẹ cân ở trẻ sơ sinh.

Ông Sandro Demaio, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Sức khỏe châu Á - Thái Bình Dương, WHO cho biết, ô nhiễm không khí ảnh hưởng ngay từ giai đoạn đầu tiên của cuộc đời.
"Tiếp xúc với ô nhiễm không khí ở người mẹ có thể tác động tới thế hệ tiếp theo thông qua cơ chế di truyền biểu sinh. Không chỉ tác động đến phổi, mà còn ảnh hưởng đến não bộ, hệ tim mạch và thậm chí đến hành vi trẻ em trong suốt cuộc đời" - Ông Sandro Demaio trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam” (ngày 24-25/4 tại Hà Nội).
Phần lớn gánh nặng bệnh tật và tử vong do ô nhiễm không khí gây ra thuộc nhóm các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, bệnh tim, ung thư và bệnh phổi mãn tính.
Ước tính có khoảng 5 triệu ca tử vong toàn cầu mỗi năm do các bệnh này, một con số đáng kể, kể từ Hội nghị cấp cao về các bệnh không lây nhiễm năm 2004.
Những tác động này không chỉ làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, mà còn kéo theo những tổn thất kinh tế khổng lồ.

Theo báo cáo của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra tổn thất 6 nghìn tỷ USD mỗi năm cho kinh tế toàn cầu. Ông Dave Payne, Chuyên gia UNDP khẳng định, tác động của ô nhiễm không khí vượt ra ngoài phạm vi sức khỏe.
"1,2 tỷ ngày làm việc bị mất mỗi năm. Rồi tác động đến năng suất chăn nuôi, mùa màng. Ước tính GDP toàn cầu giảm 5% do tác động đến sức khỏe, mất năng suất và giảm tuổi thọ cùng nhiều tác động khác" - Ông Dave Payne nhấn mạnh ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu có mối liên hệ mật thiết. Nhiều khu vực du lịch, bao gồm cả Việt Nam, đang phải đối mặt với tác động đáng kể từ ô nhiễm không khí.
Các nguồn thải khí nhà kính lớn cũng chính là nguồn thải ô nhiễm không khí, đẩy nhiều nhóm dân cư vào cảnh bất bình đẳng sức khỏe.
Ở Việt Nam, các số liệu cũng không mấy khả quan. Khảo sát PAPI 2024 cho thấy nhận thức của người dân về chất lượng không khí ngày càng tiêu cực trong 3 năm qua, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ít nhất 50% số người được hỏi ở Hà Nội, TP HCM và các khu vực lân cận cảm thấy cần đeo khẩu trang để tránh không khí ô nhiễm trở thành hình ảnh quen thuộc mỗi mùa đông - khi chỉ số bụi mịn PM2.5 vọt lên mức báo động.

Theo phân tích từ các chuyên gia WHO và UNDP, hơn 85% ô nhiễm không khí toàn cầu đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và sinh khối. Giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và đốt rác thải sinh hoạt là những nguồn phát thải chính.
"Các quốc gia cần chuyển hóa cam kết thành các chính sách, quy định và chiến lược thực thi nhằm tạo ra bầu không khí trong lành hơn. Chúng ta đều biết rằng, công việc này sẽ không hề dễ dàng. Nhưng bản thân tôi luôn vững tin rằng, trong mỗi thách thức luôn tồn tại những cơ hội, và trong trường hợp này, cơ hội là vô cùng lớn lao. Không khí sạch sẽ cải thiện sức khỏe, cứu sống con người, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế" - Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nêu quan điểm.
Bài học thành công đã có. Bắc Kinh – thành phố từng chìm trong sương mù dày đặc – chỉ sau hai thập kỷ đã cắt giảm tới 86% lượng bụi mịn PM2.5 từ giao thông, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp: nâng cấp tiêu chuẩn khí thải, giám sát khí thải trên xe (On-Board Monitoring – OBM)- công nghệ tiên tiến để kiểm soát phát thải NOx từ xe tải diesel đang lưu hành. Cùng với đó là phát triển xe điện và giao thông côn cộng.
"Đây là một bước tiến mang tính lịch sử trong việc xây dựng quy định giám sát khí thải trên xe. Bắc Kinh là thành phố đầu tiên trên thế giới yêu cầu giám sát trực tuyến từ xa đối với xe tải diesel hạng nặng, không chỉ đối với NOx mà còn đối với tiêu thụ nhiên liệu, đồng nghĩa với việc giám sát phát thải CO2" Giáo sư Shaojun Zhang, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc chia sẻ.

Đối với Việt Nam, cơ hội hành động cũng rất rõ ràng. Các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về chất lượng không khí. Tăng cường hệ thống giám sát, cảnh báo sớm. Phát triển giao thông công cộng xanh, hạn chế xe cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền được hít thở không khí sạch. Như khuyến nghị của WHO, chỉ cần đạt ngưỡng PM2.5 trung bình năm theo tiêu chuẩn mới (5 µg/m³), thế giới có thể giảm 74% số ca tử vong sớm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - ông Lê Công Thành cho biết, trước tình hình ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm đó là:
-Xây dựng nhiệm vụ, dự án kiểm kê phát thải tại khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, phía nam phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá dữ liệu, xây dựng các mô hình hóa và kịch bản dự báo ô nhiễm không khí. Hiện tại chúng tôi đang chạy thử nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí trong 48 giờ tại Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc.
-Bộ đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí, với các mục tiêu cụ thể ngay trong năm 2025 và cho giai đoạn 2026 – 2030, với từng nhóm giải pháp như năng lượng, nguồn thải, giao thông, xây dựng.
-Song song với đó, Bộ đã chủ động các hoạt động hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực.
Tại Hà Nội, để giảm ô nhiễm không khí, trong những năm qua, hàng loạt các giải pháp tổng thể được đề cập như: kiểm kê phát thải, mô hình quan trắc, cảnh báo, dự báo, xây dựng vùng phát thải thấp, quản lý đốt rơm rạ, đốt rác ngoài trời... Chuyên gia môi trường, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nêu quan điểm:
"Chúng ta đừng hy vọng làm hôm nay ngày mai sẽ giảm ngay ô nhiễm không khí"
Vị chuyên gia này nhiều lần nhấn mạnh đến "giải pháp cốt yếu" là phải có sự đồng lòng liên vùng, liên tỉnh, không riêng Hà Nội mà cả các tỉnh khác…đồng thời phải thực sự quyết liệt.
"Ví dụ quản lý ô nhiễm không khí ở nơi có công trình xây dựng, nhà máy cần được làm rõ và quyết liệt hơn" - Tiến sĩ Tùng nhấn mạnh./.