Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương trong vòng nửa tháng qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều điểm kinh doanh hàng thực phẩm hết hạn, rượu lậu, giả...

Có thể nói, cuộc chiến chống rượu giả, rượu lậu đã diễn ra quyết liệt nhiều năm, thế nhưng cho đến nay vấn nạn này vẫn diễn ra khá phức tạp, gây mất niềm tin và đem đến sự bất an cho người tiêu dùng. Đáng lo ngại hơn cả, để qua mặt cơ quan chức năng, việc làm rượu giả ngày càng diễn ra ngày càng tinh vi.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh biên mậu Việt Nam, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương nhận định: Do thu được lợi nhuận cao, nhiều cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp trong nước đã không từ một thủ đoạn này cố tình sản xuất rượu giả, rượu nhái các nhãn hiệu rượu cả nội lẫn ngoại nổi tiếng, có uy tín để lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

“Thói quen khá dễ tính của người tiêu dùng như mua hàng không lấy hóa đơn, chứng từ, không kiểm tra tem, nhãn… cũng là một điều kiện tạo đất sống cho các đối tượng kinh doanh rượu giả lộng hành. Đặc biệt lực lượng quản lý thanh tra còn mỏng; công tác kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin của các nhà sản xuất, chủ sở hữu; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm…”. Ông Đỗ Thanh Lam nhấn mạnh.

Hà Nội được xem là một trong những địa bàn “nóng” của rất nhiều mặt hàng rượu giả. Đây cũng là thời điểm mà lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đang phải ra quân rất quyết liệt. Theo ông Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, các đơn vị chức năng sẽ kiên quyết không để xảy ra việc bày bán công khai rượu không rõ nguồn gốc, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán.

“Trong thời gian cao điểm đây, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 27 vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng rượu. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 311.000.000 đồng trong đó có xử phạt hành chính là 141.000.000 đồng. Đặc biệt mới đây nhất, Đội quản lý thị trường số 14 cũng đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và môi trường đã kiểm tra đột xuất một cơ sở sản xuất kinh doanh rượu tại Khu đô thị mới Đô Nghĩa, Yên Nghĩa, Hà Đông. Tại đây các lực lượng đã phát hiện số lượng rất lớn các chai rượu thành phẩm hình các con trâu, nghé và các con vật khác như chuột, báo, cá. Toàn bộ số hàng trên có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, không có công bố tiêu chuẩn áp dụng. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc để tiến hành xác minh và xử lý”, ông Trần Việt Hùng thông tin.

Ông Trần Việt Hùng cho biết, để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là mặt hàng rượu các loại, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 18 về triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm và Tết Tân Sửu. Trong số đó, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đẩy mạnh điều tra, nắm tình hình thị trường.

Còn theo ông Đỗ Thanh Lam, để ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm, gian lận thương mại đối với hoạt động kinh doanh rượu vào dịp cuối năm ngoài việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm thì cần xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm.

Rõ ràng trong “ma trận” rượu giả, rượu thật lẫn lộn, ngoài việc thay đổi thói quen của chính người tiêu dùng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, có như thế mới hy vọng hạn chế tiến tới chấm dứt được tình trạng rượu giả, rượu nhập lậu gây bất an cho người sử dụng.

Nghe nội dung cuộc trao đổi với ông Đỗ Thanh Lam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh biên mậu Việt Nam, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương dưới đây: