Cần ghi nhận những tấm lòng vì con trẻ

Mới đây, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT đã quyết định việc xây một trường học nội trú cho 1000 trẻ mồ côi do Covid-19. Thông tin mà ông Bình đưa ra nhận được sự ủng hộ, cảm kích từ cộng đồng xã hội. Ở góc độ vì cộng đồng, vì trẻ em, những ý tưởng, những tấm lòng như của ông Trương Gia Bình rất đáng được trân trọng khi không phải ai có đầy đủ điều kiện tiền bạc cũng nghĩ đến và quyết tâm thực hiện.

Song cũng có không ít ý kiến từ các chuyên gia ở lĩnh vực giáo dục, tâm lý...cho rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ thành người không đơn giản chỉ ở việc có cơm ăn, áo mặc, học hành. Các em còn nhu cầu về yêu thương, tâm lý từ cộng đồng và người thân. Dù cha, mẹ hoặc cả 2 không còn thì những người thân, những cộng đồng nho nhỏ gắn bó từ lúc lọt lòng vẫn cần cho hành trình trưởng thành của các em.

Mô hình nuôi dạy trẻ trong điều kiện tập trung ở Việt Nam thực ra không phải quá mới mẻ hoặc cá biệt. Trong cuộc sống hiện đại ngày hôm nay, vẫn có nhiều trẻ em vì nhiều hoàn cảnh khác nhau buộc phải sống trong những trung tâm chuyên biệt hoặc những nhóm từ thiện, thậm chí cá nhân đứng ra tổ chức. Ở đó, các em được chăm sóc, nuôi dưỡng, học hành.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Y Duyên, công tác tại Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF tại Việt Nam, thế giới bước vào thập kỷ thứ 3, rất nhiều công trình nghiên cứu cũng như thực tế đã chỉ ra nhu cầu phát triển cơ bản cho mỗi cá nhân trong quá trình trưởng thành không dừng ở việc thỏa mãn những nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, ở.

Năm 1990, Việt Nam đã phê chuẩn công ước về quyền Trẻ em, công nhận tất cả các quyền như được nuôi dưỡng và chăm sóc bởi gia đình, quyền được vui chơi, quyền được an toàn bảo vệ khỏi bạo lực, xâm hại và quyền được giáo dục. Điều này cũng đồng nghĩa việc chúng ta cần đảm bảo thực hiện tất cả các quyền của trẻ em, kể cả trường hợp phát sinh trong hoàn cảnh đặc biệt như đại dịch Covid-19.

UNICEF cảnh báo tác động tiêu cực khi tách trẻ khỏi môi trường gia đình

Mới đây, Tổng Giám đốc UNICEF toàn cầu trong bài phát biểu của mình về vấn đề trẻ em mất đi sự chăm sóc của cha mẹ do đại dịch Covid - 19, đã nhấn mạnh việc trẻ em trong các cơ sở chăm sóc tập trung thường bị tách rời khỏi gia đình và cộng đồng cũ của mình. Việc này có thể khiến các em phải chịu đựng những tổn hại về thể chất, nhận thức, tâm lý, tình cảm với những hậu quả kéo dài suốt đời. Nhiều em trong số đó còn đứng trước nguy cơ bị bạo hành, lạm dụng, bóc lột và vị bỏ rơi.

Nghiên cứu trên thế giới về những tác động của chăm sóc trẻ em ở cơ sở tập trung đã chỉ ra những tác động tiêu cực lên quá trình phát triển của trẻ em như chậm phát triển về thể chất, não bộ, nhận thức, sự tập trung. Tình trạng tự ti, mặc cảm, thiếu kỹ năng xã hội và khó hòa nhập hơn các trẻ khác cũng rất dễ nhận ra. Các nghiên cứu cũng chỉ ra tỉ lệ thành công của trẻ em được nuôi dưỡng tập trung sau khi lớn lên cũng thấp hơn nhiều so với trẻ em khác.

Bà Y Duyên cũng nêu ví dụ tổng thống Canada Justin Trudeau mới đây đã có bài phát biểu xin lỗi với người dân bản địa ở Newfoundland và Labrador về việc trẻ em ở đây đã từng bị đưa vào trường học nội trú trong giai đoạn từ năm 1949 đến 1980. Lời phát biểu của ông Trudeau đã gây xúc động cũng như khiến cộng đồng thế giới nhận rõ hơn những tác động tiêu cực về việc tách trẻ khỏi môi trường gia đình và nuôi dạy tập trung. Đến nay, nhiều nước trên thế giới đã không còn áp dụng hình thức chăm sóc tập trung cho trẻ em, trong đó có cả trẻ mồ côi.

Trong điều kiện thực tế ở Việt Nam, trước mắt, câu chuyện mái ấm cho hơn 1.500 trẻ mồ côi vì đại dịch cũng không nên bắt đầu bằng hình thức chăm sóc tại các cơ sở tập trung. Tìm kiếm và hỗ trợ môi trường chăm sóc bởi người thân, họ hàng cần được triển khai đầu tiên và sớm nhất, bà Y Duyên khẳng định.

“Ngoài nhu cầu cơm ăn, áo mặc, trẻ em còn có nhu cầu được chăm sóc, quan tâm và yêu thương từ cha mẹ, người thân. Những tương tác cá nhân tích cực giữa cha mẹ và trẻ hằng ngày sẽ có tác động tích cực lên sự phát triển toàn diện của trẻ không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần và tâm lý xã hội”, Bà Y Duyên chia sẻ.

Cũng liên quan tới vấn đề này, TS. Đặng Hoàng Giang, nhà nghiên cứu xã hội học, tác giả của nhiều cuốn sách tìm hiểu sâu về tâm lý, những tác động hậu tuổi thơ tới cuộc sống hiện tại của các cá nhân khác nhau cũng đã có chia sẻ với VOV2 về những nhu cầu để trưởng thành của trẻ em. Theo đó, cần hướng tới việc cố gắng tối đa để tạo cho trẻ mồ côi một môi trường "giống như gia đình". Bởi đây là môi trường tối ưu nhất cho sự phát triển của trẻ. Đó có thể là một cuộc sống với ông bà, cô chú, hay với bố mẹ nuôi, hay với người bảo trợ. Cộng đồng và xã hội sẽ hỗ trợ tài chính và các khía cạnh khác để gia đình mới của trẻ có thể chăm sóc các em tốt nhất.

Chỉ trong trường hợp cực chẳng đã, là giải pháp cuối cùng, khi họ hàng không thể đảm nhiệm việc chăm sóc, do bệnh tật hay nghiện ngập, trẻ sẽ được đưa vào trại, trung tâm. Ngay cả lúc này, chúng ta, những người trực tiếp chăm sóc cũng cố gắng để các em ít gặp xáo trộn nhất về trường học, nơi sinh sống. Thêm vào đó, cơ sở nuôi trẻ cần có quy mô giống gia đình nhất có thể, ví dụ chỉ nhóm 5 - 10 trẻ thay vì hàng trăm hay hàng nghìn. Và thời gian các em ở trung tâm ngắn nhất có thể, trước khi trẻ được đưa lại vào một môi trường gia đình.

Mới đây, ngày 23/9, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã ký Công văn số 3234/LĐTBXH-TE gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19. Trong đó ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc để trẻ em được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.

Điều này hoàn toàn phù hợp những khuyến nghị từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc với các quốc gia, trong đó có Việt Nam khi phải giải quyết vấn đề có rất đông trẻ em mồ côi vì đại dịch Covid -19.

Một mái ấm đúng nghĩa cho trẻ em mồ côi sẽ bao gồm việc được chăm lo ăn, ngủ, học hành, bù đắp những tổn thương mất mát. Sẽ rất khó có được cùng lúc tất cả điều này ở trung tâm với cả nghìn em cùng lúc. Những người thân, ông bà, họ hàng phần nào sẽ bù đắp được mất mát của các em và sẽ là phù hợp hơn trong điều kiện hiện nay. "Những ông bố, bà mẹ mất đi vì Covid-19 sẽ mong con cái họ nhận được tình yêu và sự quan tâm chân thành từ những người còn lại" là điều bà Y Duyên nhấn mạnh nhiều lần khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV2.

Khuyến nghị của UNICEF về chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19


* Đảm bảo hỗ trợ các gia đình bao gồm cả gia đình họ hàng của các em này có thể tiếp cận được tới các dịch vụ cần thiết như trợ giúp xã hội, tư vấn và chăm sóc sức khỏe.

* Tăng cường hệ thống và các dịch vụ bảo vệ trẻ em, bao gồm tăng cường đội ngũ nhân viên công tác xã hội để có thể hỗ trợ kịp thời cho các gia đình và trẻ em này.

* Mỗi một cán bộ làm công tác chăm sóc trẻ em cần được đào tạo để có thể làm tốt việc hỗ trợ các gia đình và trẻ em, thông qua tiến trình quản lý toàn diện, với việc đánh giá đúng và đầy đủ các nhu cầu của trẻ em và gia đình các em, gia đình họ hàng của các em; tìm kiếm được những gia đình có khả năng và có thể hỗ trợ chăm sóc các em với một môi trường yêu thương, trước mắt là tạm thời, và sau đó là tìm kiếm giải pháp lâu dài như tìm gia đình nhận nuôi con nuôi.

* Chăm sóc trẻ trong một cơ sở tập trung chỉ nên là giải pháp cuối cùng, sau khi tất cả những nỗ lực đã được bỏ ra để tìm kiếm các giải pháp trên mà không thành công. Và giải pháp này cũng chỉ nên là giải pháp tạm thời trong khi những nỗ lực vẫn cần được bỏ ra để tiếp tục tìm kiếm các giải pháp lâu dài hơn cho một môi trường chăm sóc bởi gia đình cho trẻ.