Năm 2023, Việt Nam sẽ đạt mốc 100 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN. Bên cạnh cơ cấu dân sô vàng thì nước ta cũng phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số rất nhanh. Theo dự báo của các chuyên gia, trong 10 năm nữa, người cao tuổi ở nước ta sẽ chiếm 17% dân số, đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%. Điều đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với hệ thống an sinh xã hội trong nước.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội người Cao tuổi Việt Nam cho biết, hiện nay, chúng ta bước vào già hoá dân số nhanh, số người già có bệnh mãn tính chiếm tỷ lệ cao nên nhu cầu điều dưỡng của người già rất cao. Có một bộ phận người già được điều dưỡng, được chăm sóc từ con cái hoặc ở một số trung tâm y tế của Nhà nước nhưng mà cũng còn một bộ phận nhất định không có điều kiện thì họ cần được chăm sóc ở các trung tâm điều dưỡng chung của xã hội. Theo bà Chuyền, chúng ta cần phải đào tạo đội ngũ điều dưỡng viên và đội ngũ nhân lực làm công tác xã hội làm việc ở các trung tâm này để họ chăm sóc sức khoẻ và tinh thần cho người cao tuổi.

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Hiện nay, cứ khoảng 10 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên và dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên gấp đôi sau 20 năm nữa. Do đó, rất cần một hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi hiệu quả như phân tích của giáo sư Phạm Thắng, hội Lão khoa Việt Nam. Theo giáo sư Thắng, vấn đề già hoá diễn ra khá nhanh nên để đáp ứng yêu cầu của xã hội thì cần có thời gian. Hiện nay, chúng ta có hệ thống chính sách về y tế hiệu quả, có bệnh viện lão khoa từ khá lâu.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, xu hướng già hóa dân số tiếp tục diễn ra với tốc độ cao ở Việt Nam. Sức khỏe và nhu cầu chăm sóc của người cao tuổi không đồng nhất mà có sự khác biệt lớn về độ tuổi, giới tính, khu vực sống và dân tộc. Tất cả những vấn đề này đòi hỏi phải có những kế hoạch, chính sách và chương trình thích ứng với già hóa dân số nói chung và đáp ứng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi nói riêng. Ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, Việt Nam sẽ giống như các nước khác, trải qua quá trình già hoá dân số thì sẽ phải đối mặt với lĩnh vực thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Nguyên nhân chính có thể là do dân số Việt Nam đã già hoá nhanh chóng nên nước ta thiếu hụt nhân lực ở mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Thứ hai là số lượng người cao tuổi gia tăng nhanh chóng nên nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi cũng gia tăng. Thứ ba là số lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi hiện nay khá ít và nhu cầu tương lai cũng khá lớn nên sự thiếu hụt ngày càng nhiều. Thứ tư là quy hoạch phát triển các viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi thì cần sự đầu tư, đất đai… chính sách đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi chưa thực sự rõ ràng nên xã hội chưa nhìn thấy rõ nhu cầu lao động cũng như cơ hội nghề nghiệp chăm sóc người cao tuổi.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số do đó nếu tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này sẽ góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước. Tuy nhiên, người cao tuổi vẫn gặp những vấn đề liên quan đến môi trường sống và thể chất nên cần được quan tâm nhiều hơn. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái cho biết, hiện nay, các tổ chức xã hội cũng đang rất quan tâm đến lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Với tỷ lệ già hoá dân số nhanh như hiện nay thì việc phát triển các hệ thống dưỡng lão trong tương lai chắc chắn rất tốt đẹp và thuận lợi. Có rất nhiều các thành phần kinh tế tham gia vào mở rộng lĩnh vực này và cơ hội việc làm được mở rộng rất nhiều. Và chính vì điều đó mà đòi hỏi những người tham gia vào lĩnh vực này cần được đào tạo một cách chuyên nghiệp và sự hiểu biết kỹ càng trong nghề nghiệp cũng như có một định hướng bền vững và nắm bắt được định hướng của nghề nghiệp này.

Theo dự báo, đến năm 2029, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,7% và con số này sẽ là hơn 26% vào năm 2049. Các nhà nhân khẩu học nhận định, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Chính vì thế, sự thay đổi về chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta cho phù hợp với xu hướng già hóa dân số là điều cần thiết hiện nay. Có như thế, chúng ta vừa tăng được tuổi thọ dân số vừa phát huy được vai trò của người cao tuổi trong cuộc sống hiệu quả./.