Trước khi bước sang tuổi 40, "biến đổi khí hậu" là khái niệm mơ hồ với chị Kim Thị Điệp, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Với một người mà sinh kế dựa vào rừng ngập mặn thì chỉ cần quan tâm lứa ong này thu được nhiều hay ít mật.
"Bây giờ mới nhận ra triều cường nhiều hơn, nhà mình ngay gần biển sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên" - Chị Điệp nghĩ về biến đổi khí hậu từ cái nhìn thực tế như vậy.
Từ năm ngoái, nhóm nghiên cứu về đo lường carbon rừng ngập mặn đến xã Vĩnh Hải. Chị Điệp, chị Sương (người cùng xã) tự nguyện tham gia. Lại một khái niệm mới nữa xuất hiện trong đầu chị.
"Khác với nghiên cứu trước đây, các chuyên gia đóng vai trò đo đạc là chính, còn nghiên cứu này cộng đồng địa phương tham gia cùng đoàn nghiên cứu" - Ths Nguyễn Văn Thị - Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển - Viện sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp) dành nhiều hơn 3 trang slide để nói về cộng đồng trong phần báo cáo của mình.
"Chúng tôi tin rằng khi người dân tham gia, hiểu biết họ sẽ hành động để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như bảo vệ sự sống của mình" - ông Thị khẳng định.
Đầu năm nay, chị Điệp, chị Sương tham gia trồng cây mắm. "Làm gì biết carbon là gì? Các anh ấy hướng dẫn cách đo kiểm thế nào, nói với chúng tôi lợi ích của carbon là có thể bán ra tiền cho đất nước" - các chị chia sẻ - "Trồng cây để cản được nước biển dâng và không bị xói lở nên nếu thấy cây đổ là chúng tôi trồng lại, ai đi chặt cây ở rừng ngập mặn, tôi báo cho chính quyền địa phương".
Thị xã Vĩnh Châu có 43km bờ biển và 4000 hecta rừng ngập mặn. Ông Trần Chí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), Trưởng ban quản lý Dự án tại Vĩnh Châu khẳng định, người dân đều hiểu vai trò quan trọng của hệ thống rừng phòng hộ trong đời sống và sản xuất.
"Rừng phòng hộ sẽ góp phần làm giảm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn chế việc xói lở, sạt lở bờ biển, triều cường... Ngoài ra, ở đâu có rừng phòng hộ thì điều tiết được thời tiết" - ông Vân trả lời VOV2.
Ngày 9/11 một số người dân thuộc 3 xã dự án (Lai Hòa, Lạc Hòa và Vĩnh Hải) của huyện Vĩnh Châu, trong đó có chị Điệp, chị Sương đã có mặt tại Hà Nội để chứng kiến thành quả của nghiên cứu mà người dân các chị là một phần trong đó.
Nghiên cứu chỉ ra, trong số 3 loài cây Bần, Mắm, Đước thì lượng tăng trưởng cacbon bình quân hàng năm của rừng Mắm là cao nhất với 8,06 tấn/ha, trong khi đó rừng Bần là 6,93 tấn/ha và rừng Đước là 5,32 tấn/ha.
Trung bình tăng trưởng toàn khu vực nghiên của 3 xã thì lượng tích trữ hàng năm là 6,77 tấn/ha/năm (tương đương 24.8 tấn CO2/ha/năm). Giá trị kinh tế từ rừng có thể đem lại hàng năm là từ 5-10$/tấn CO2/ha (tương đương 124 - 248 $/ha/năm).
"Như vậy sẽ có thêm 3-6 triệu đồng/ ha/ năm cho chi trả dịch vụ môi trường rừng. Một số nơi hiện nay mới chỉ có từ vài chục nghìn đến 1 triệu đồng/ ha/ năm" - ông Thị nhấn mạnh.
Đây là kết quả nghiên cứu do Viện Sinh thái rừng và Môi trường thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cùng đối tác và cộng đồng thực hiện tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng trong 2 năm (11/2022-10/2024).
Kết quả này mở ra cơ hội cho cộng đồng, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, về kinh tế xanh và tài chính cho các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu nắm bắt thêm được giá trị bảo vệ môi trường của rừng ngập mặn.
Phát biểu tại buổi trao đổi khoa học, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp thông tin: hiện nay có 177 tiêu chuẩn carbon trên thế giới để làm chuẩn mực trong trao đổi mua bán. Trong đó, carbon rừng ngập mặn còn được gọi là carbon xanh dương, đây là một trong những loại đem ra thị trường có giá trị cao nhất.
"Việc đo lường, xác định carbon rừng ngập mặn rất cần thiết. Quá trình đo lường carbon rừng ngập mặn góp phần thực hiện Netzero, giảm phát thải khí nhà kính"- GS Điển chia sẻ.
Trong khuôn khổ dự án này, các chuyên gia của Viện Sinh thái rừng và môi trường đã sử dụng phương pháp đo trực tiếp 7 bước. Với tính khoa học, chính xác và khả năng ứng dụng cao, phương pháp đo tăng trưởng carbon của nghiên cứu này đã được Cục Lâm nghiệp thẩm định và sử dụng để xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật điều tra, đo đếm các-bon rừng ngập mặn. Đây là lần đầu tiên, một hướng dẫn chuyên ngành trong lĩnh vực này được ban hành, áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên cơ sở quản lý ngành hiện nay Cục đang xây dựng hệ thống dữ liệu rừng ngập mặn ở 28 tỉnh thành ven biển và hệ thống chính quyền các cấp sẽ cập nhật biến động diện tích rừng giảm hàng năm. Hoạt động này có sự tham gia của chủ rừng trực tiếp, đặc biệt là người dân giữ rừng, các cộng đồng, hợp tác xã.
"Thông qua phương pháp này có thể đo đếm tính toán, xây dựng bản đồ trữ lượng carbon rừng ngập mặn toàn quốc, lượng hóa được tổng giá trị mà carbon đang lưu giữ và tăng trưởng hấp thụ CO2 hàng năm, chúng ta biết được tiềm năng giá trị môi trường của rừng ngập mặn"-Ông Trần Quang Bảo cho biết.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị cần làm song song hai việc là bảo tồn và phát triển rừng. Đó là duy trì ổn định diện tích rừng hiện có. Chính quyền địa phương cần sớm có chính sách giao đất, giao rừng cho các cộng đồng, cá nhân quản lý và sử dụng ổn định lâu dài.
Bên cạnh đó cần tiếp tục mở rộng quy mô diện tích rừng ngập mặn bằng cây mắm là phù hợp với điều kiện lập địa, độ mặn của nước biển và phù hợp với "sở thích" của người dân địa phương./.
Nghiên cứu và tập huấn cho cộng đồng nằm trong khuôn khổ của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long - giai đoạn 1” (gọi tắt là dự án B4) được Bộ Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Cộng hòa Áo thông qua Tổ chức Bánh mỳ Thế giới (BfdW) tài trợ và được Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, UBND thị xã Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng thực hiện./.