Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT), trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật...
Nội dung nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và các đại biểu là phần sửa đổi, quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo,... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Theo đó, trường hợp cấp cứu tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc: Thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng.
Người bệnh được tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh, kỹ thuật quy định của Bộ trưởng Y tế: Thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng.
Trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phân tuyến huyện trước ngày 1/1/2025: Thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú theo tỷ lệ phần trăm mức hưởng.
Đại diện cho cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc sửa đổi quy định về “thông cấp khám bệnh, chữa bệnh” theo hướng mở rộng thêm một bước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT.
Theo đó, quỹ BHYT chi trả như khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng quy định trong trường hợp người bệnh tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp bệnh nặng, hiểm nghèo; khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản trên toàn quốc và khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu với lộ trình phù hợp.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội lưu ý cần đánh giá tác động đến khả năng cân đối quỹ BHYT cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện phù hợp.
Đại diện cho cử tri của tỉnh Hải Dương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng băn khoăn về những tác động khi cho phép những người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được chuyển thẳng lên tuyến trên. Dẫu vậy, theo bà đây là thay đổi cần thiết để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân khi tham gia BHYT. “Khi tiếp xúc cử tri, tôi luôn nhận được đề xuất làm thế nào để thực hiện thủ tục thông tuyến, chuyển tuyến nhanh nhất cho người bệnh. Tuy nhiên, thực hiện thông tuyến, chuyển tuyến có mấy vấn đề phát sinh. Nếu ta thực hiện thông tuyến, không quy định tuyến nữa thì người dân có thể chuyển viện lên các tuyến trên. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn là các tất cả các bệnh viện tuyến trên đều sẽ quá tải. Còn bệnh viện tuyến dưới thì lại không có người bệnh, vì theo tâm lý thông thường, người ta có niềm tin rằng bệnh viện tuyến trên tốt hơn tuyến dưới. Khi có điều kiện, người ta sẽ lên thẳng tuyến trên. Hệ lụy là gây ra những bất cập cho bệnh viện tuyến dưới. Bệnh viện tuyến dưới không có bệnh nhân sẽ khó phát triển. Việc thanh toán BHYT theo phân bổ kinh phí cũng gặp khó”, bà Nga phân tích.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Theo Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) cần theo hướng cho phép người dân được quyền thông tuyến khi có bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm như quy định trong dự thảo. Để hạn chế thấp nhất những bất cập nảy sinh, nên giao cho Bộ Y tế nghiên cứu, quy định chi tiết, hợp lý danh mục các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo. Dựa trên căn cứ này, người dân khi mắc sẽ được thực hiện thủ tục thông tuyến chuyển tuyến nhanh nhất.