Thấu hiểu và kiên nhẫn

“Bố ơi, bố ngồi đây nhé! Bố ơi lát các bạn sẽ thay quần áo cho bố”. Một ngày ở Viện dưỡng lão Nhân Ái, điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Hồng Hà ân cần chăm sóc các cụ và gọi họ thân mật "bố, mẹ".

Mỗi sáng, chị Hà và các đồng nghiệp đi tua, xử lý các vấn đề phát sinh, đưa ra kế hoạch chăm sóc đặc biệt, làm hồ sơ thủ tục hành chính, trò chuyện với các cụ. Tại đây, chị còn đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy cho sinh viên. Cuối ngày, chị kiểm tra những vấn đề phát sinh rồi xử lý và bàn giao cho ca sau.

Duyên nợ đưa chị Hà gắn bó với công việc chăm sóc người cao tuổi bắt đầu từ một câu chuyện cách đây hơn 20 năm. “Năm mình 17 tuổi thì bố mất. Cuối đời không có ai hiểu biết về nghề y để chăm sóc bố tốt. Điều đó càng làm mình quyết tâm vào nghề y để chăm sóc người già, giúp họ giảm đau đớn khi ốm đau, bệnh tật”.

Ca trực lúc nửa đêm, một cụ già suy hô hấp. Các nhân viên trong ca trực theo sát tình hình, đảm bảo sức khỏe của cụ trước khi xe cấp cứu đến. Đây là một trong những tình huống thường gặp ở viện dưỡng lão.

“Vất vả, nhiều lúc cũng muốn gục ngã. Ngành y là ngành cần nhẫn nại, chính xác và không có sai sót” chị Hà nói.

19 năm trong nghề, gặp nhiều hoàn cảnh éo le nhưng giây phút ở bên các cụ trong những phút cuối đời luôn là trải nghiệm khiến chị Hà xúc động nhất.

“Có những hôm 23-24h đêm, mình cấp cứu bệnh nhân, đưa cụ đến bệnh viện mà không có người nhà. 4h sáng, làm thủ tục xong nhưng vẫn không làm cách nào để liên hệ với họ. Lúc ấy, cụ gần như chỉ đợi con cháu đến để trút hơi thở cuối cùng. Cũng may, 7h sáng người nhà đã đến, mình cũng nhẹ nhõm”, chị Hà kể.

Gắn bó với nghề chăm sóc người cao tuổi đôi khi là phải chấp nhận hy sinh những phút thảnh thơi của bản thân, ít có thời gian cho con cái và gia đình.

Nhiều lần tan làm về nhà chăm con, 21h đêm chưa nuốt nổi bát cơm thì có nhân viên trong viện gọi quay lại “có cụ suy hô hấp cấp cứu, cần chị có mặt ngay. Lúc đó nghĩ sao mình khổ thế!”, chị Hà nghĩ vậy nhưng lại vội vàng phóng xe đến viện như một phản xạ có điều kiện. Chị nói đó là nhiệm vụ của mình.

Ở Viện dưỡng lão nhân ái, ông Nguyễn Quốc Chồi (70 tuổi) là nhân viên chăm sóc lớn tuổi nhất. Công việc của ông là phục hồi chức năng cho các cụ.

Xuất thân từ quân đội, từng có thời gian làm y tế địa phương, ông Chồi nói “cái tính nhẫn nại đã ăn sâu vào xương tủy”. Bởi vậy, những vất vả khi chăm sóc người cao tuổi không thể làm khó ông.

“Tuổi già mỗi cụ một tính. Phải coi các cụ như ông bà, bố mẹ của mình thì mới làm được. Đôi khi nhiều cụ còn đánh lại, chửi lại nhưng mình vui vẻ, tận tụy. Làm nghề này phải xác định vất vả”, ông Chồi nói rồi so sánh sự vất vả của mình còn chưa bì kịp các bạn điều dưỡng.

“Các cháu điều dưỡng còn làm nhiều hơn từ hỗ trợ vệ sinh, ăn uống cho các cụ. Phải xác định trách nhiệm, cái tâm mới làm được lâu dài...”

Còn Trần Thị Thúy, quê ở Đan Phượng (32 tuổi) là một trong người trẻ nhất làm việc tại Viện dưỡng lão Nhân Ái. Trước đây, Thúy từng làm chăm sóc trẻ sơ sinh, nên cô tự tin sẽ làm tốt mảng chăm sóc người cao tuổi. Thế nhưng lần đầu tiên vào nghề Thúy đã rất lo lắng.

“Lúc đầu đến viện mình tưởng phải bỏ việc ngay. Hàng loạt câu hỏi cùng nỗi sợ hiện lên trong đầu: Bế các cụ nhỡ ngã thì sao? Cho ăn kiểu gì?”

Dẫu vậy, sau một thời gian làm quen với công việc, cô không chỉ làm được mà còn làm tốt. “Chỉ cần chịu khó, cần cù, ham học hỏi và cẩn thận sẽ làm được. Mình xuất thân từ quê, đã làm chăm sóc trẻ sơ sinh, hỗ trợ cho các bạn sinh non nên có sự đồng cảm. Vì vậy nếu nói nề hà, sợ bẩn thì mình không. Ban đầu mình chỉ lo làm không đúng, không chuẩn”, Thúy bộc bạch.

Các cụ chính là hình ảnh của mình mai sau!

Ở khu chăm sóc đặc biệt thường là các cụ mắc bệnh lý nền, cần chăm sóc tại giường và hầu như phụ thuộc vào người chăm sóc. Dẫu vậy họ vẫn cảm nhận được sự tận tâm của nhân viên chăm sóc thông qua ánh mắt thỏa mãn. “Có cụ mắc bệnh hoang tưởng, mình chăm sóc tận tâm, thân thiết thì tính cách của họ cũng cởi mở hơn”.

Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, Thúy nhìn thấy các em cứng cáp từng ngày. Còn với các cụ thì lại giống như ở bên kia sườn dốc. Các cụ đã trải qua mọi thăng trầm cuộc sống. Mình chỉ mong những ngày cuối đời các cụ được sống vui vẻ đúng nghĩa”, Thúy nói.

Bên cạnh các cụ trong những năm tháng cuối đời, hơn cả trách nhiệm, sự tận tâm của những nhân viên chăm sóc đôi khi đến từ những niềm vui nhỏ bé trong nghề.

Ông Chồi chia sẻ, khi chăm sóc những cụ ngồi xe lăn, quá trình xoa bóp, phục hồi chức năng nhiều cụ đã đi lại được bình thường. Đó là niềm vui, động lực để ông miệt mài với nghề chăm sóc người cao tuổi suốt 17 năm qua.

Bên cạnh trách nhiệm, tình thương với người cao tuổi là “chiếc neo” để những nhân viên chăm sóc bám nghề, để người cao tuổi dựa vào những phút cuối đời.

Chị Hồng Hà vẫn nhớ như in một cụ già được chị chăm sóc đã mất cách đây mấy năm. Cụ có quá khứ oanh liệt nhưng lại không muốn tiết lộ cuộc sống cá nhân. Những ngày cuối đời, cụ không muốn gặp người thân, cũng không muốn đi viện. Cụ nói muốn ra đi ở đây.

“Mỗi người cao tuổi đều có nỗi niềm riêng, một ngăn nào đó không nên động vào. Mình phải làm cho người cao tuổi thoải mái nhất. Thay con chăm sóc các cụ, làm sao để các cụ tin tưởng”.

Chị Hà luôn nói với các nhân viên ở viện “các cụ chính là hình ảnh của mình mai sau. Mình mong muốn mai sau người khác cũng chăm sóc mình như mình đã từng chăm sóc các cụ, để các cụ vui khỏe, an nhiên, để các cụ không cô quạnh”.

Nhu cầu người chăm sóc ngày càng thiết yếu

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Nhân Ái, tỉ lệ già hóa dân số ở nước ta đang ngày càng gia tăng, số người cao tuổi thời điểm này xấp xỉ 13%.

Tuy nhiên, thống kê của Bộ Y tế cho thấy các cụ già nhưng chưa khỏe, nhiều cụ mắc bệnh lý nền. Với kinh nghiệm 18 năm làm chăm sóc người cao tuổi, bà Thanh cho biết, hiện hơn 80% các cụ ở viện dưỡng lão có nhu cầu được hỗ trợ chăm sóc cuộc sống. Có cụ cần chăm sóc một phần, chăm sóc sau tai biến nhưng cũng có cụ phải ngồi xe lăn, bị bệnh alzheimer, nặng hơn thì phải chăm sóc tại giường. Còn 10-15% các cụ khỏe mạnh muốn tìm cuộc sống riêng cho mình trong nhà dưỡng lão để có môi trường giao lưu. Vì vậy, nhu cầu cần chăm sóc đối với người cao tuổi ngày càng gia tăng và trở nên thiết yếu.

Để trở thành một nhân viên chăm sóc người ca tuổi, theo bà Kim Thanh kỹ năng chuyên môn là bắt buộc. “Điều quan trọng nhất là thành thạo kỹ năng chăm sóc, hiểu tâm lý và bệnh lý của người cao tuổi ”, bà Kim Thanh cho rằng đây là điều kiện cần.

Điều kiện đủ là nhân viên phải có tình yêu thương đủ lớn để cảm thông, chia sẻ với những buồn phiền tuổi già, nỗi đau bệnh tật đang giày vò các cụ. Có tính kiên nhẫn, kiên trì để lắng nghe, giúp các cụ cân bằng cảm xúc.

Tại nhiều nước, chăm sóc người cao tuổi là một nghề có lộ trình thăng tiến rõ ràng và được cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, ở nước ta nhân viên chăm sóc người cao tuổi chưa có mã nghề riêng.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Nhân Ái, chúng ta đang tuyển dụng nhân viên công tác xã hội và điều dưỡng để chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, cả hai nguồn nhân lực này đều có những thế mạnh và hạn chế nhất định, cần phải đào tạo thêm để làm nghề.

Các bạn điều dưỡng có chuyên môn tốt, có kiến thức về y tế, hiểu biết bệnh lý, được đào tạo tình yêu thương người bệnh nên có nền tảng cơ bản nhưng thường thiếu kỹ năng xã hội để giao tiếp, tương tác, hóa giải những tâm tư, khó khăn của các cụ.

Trong khi đó, các bạn công tác xã hội dù chuyên sâu về xã hội nhưng thiếu kỹ năng chăm sóc. Nếu các bạn tốt nghiệp nghề công tác xã hội muốn làm nghề này thì phải học thêm kỹ năng chăm sóc để làm trọn vẹn vai trò của nhân viên chăm sóc.

Bà Kim Thanh khẳng định, nhân viên chăm sóc phải hội tụ 2 yếu tố chuyên môn và xã hội.

Quá trình làm chúng tôi tuyển dụng cả 2 đối tượng là điều dưỡng và công tác xã hội sau đó đào tạo dần lên. Tuy nhiên, các bạn có chuyên môn điều dưỡng thích nghi tốt và bổ sung thuận lợi hơn còn các bạn công tác xã hội thích nghi có phần hạn chế hơn. “Tôi nghĩ chúng ta cần định hình rõ đây là một nghề. Chúng ta đào tạo người làm nghề này phải hội tụ đầy đủ yếu tố nghề đó yêu cầu. Còn sử dụng nguồn nhân lực từ các lĩnh vực khác sang thì cần đào tạo bổ sung mới đáp ứng được yêu cầu công việc”./.

Nghe chương trình tại đây: