Không chờ đến khi trời trở lạnh, chị Nguyễn Thị Hà My, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội, mới thực hiện việc đan lát để tạo ra những sản phẩm mới, gồm khăn, mũ, tất, áo… từ chất liệu len. Đây là việc làm thường xuyên, diễn ra quanh năm, mọi lúc và mọi nơi. “Em thường đan vào buổi tối nhưng cứ hễ ranh em lại mang len ra đan”, My cho biết.
Công việc và thu nhập chính của chị My là tự làm và bán đồ “hand-made”. Đây là cơ duyên khiến chị biết đến và tham gia nhóm thiện nguyện Đông ấm đan yêu thương với hoạt động đan áo, khăn, mũ, găng tay, tất… từ chất liệu len và tặng cho trẻ em vùng cao có hoàn cảnh khó khăn từ năm 2016 đến nay.
Chị My chia sẻ, có những người khi thấy chị đan khăn, đan áo vào mùa hè đã nhìn chị với ánh mắt khó hiểu. Tuy nhiên, thay vì khó chịu, chị lại thấy vui vì đấy chính là cơ hội để “lan tỏa” yêu thương đến cộng đồng. Chị tiếp cận, làm quen và giới thiệu về hoạt động của nhóm Đông ấm đan yêu thương. Mục đích là nhằm tạo ra thật nhiều khăn, mũ và áo len để tặng cho các em nhỏ ở các bản làng vùng cao vào mùa đông lạnh giá. Với những người muốn tham gia, chị sẽ hướng dẫn và cấp len miễn phí. Đây cũng là cách chị học được từ nhóm Đông ấm đan yêu thương. “Ban đầu em không biết đan. Em được những người đan thành thạo dạy và họ truyền cảm hứng đan qua những câu chuyện. Em bắt đầu đan từ đó, ban đầu lóng ngóng, sau một thời gian em đan nhanh hơn và yêu thích như bị nghiện đan”, chị My cho biết.
Cứ như vậy, 8 năm qua, bằng chính đôi tay của mình, ở mọi nơi mỗi khi rảnh, chị My đã tạo ra không biết bao nhiêu chiếc khăn, chiếc mũ bằng len. Chị cũng không nhớ mình đã lan tỏa và hỗ trợ bao nhiêu người đan áo, đan khăn để cùng các thành viên nhóm Đông ấm đan yêu thương góp phần xua tan cái lạnh, sưởi ấm tâm hồn cho các em nhỏ ở các bản làng vùng cao.
Cũng như Hà My, chị Phạm Thị Bích Ngọc, ở huyện Ba Vì, Hà Nội dành một tình yêu rất đặc biệt cho các em nhỏ ở vùng cao. Và điều đó được thể hiện qua những việc làm thiết thực và giàu tính nhân văn mỗi ngày: tham gia làm hoa, bán hoa và dành toàn bộ lợi nhuận xây dựng thư viện sách cho học sinh ở các tỉnh miền núi. “Hàng ngày, em thường đi tìm mối hoa, chọn lọc hoa, tham khảo giá để lên đơn giá cho từng loại, sau đó đưa lên mạng để bán. Khi có khách đặt hàng, em và các bạn cùng làm rồi gửi hàng đi. Em luôn nghĩ mỗi bó hoa trao đi em sẽ nhận lại được những cuốn sách để tặng cho các em nhỏ vùng cao còn khó khăn thường dồn hết năng lượng vào việc đó”, chị Ngọc tâm sự.
Chị Ngọc công tác tại một cơ quan báo chí. Công việc đưa chị đến nhiều nơi ở khu vực miền núi. Tại đây, không ít lần chị chứng kiến các bạn nhỏ không chỉ nghèo về “cái ăn, cái mặc” mà còn thiếu cả sách vở và đồ dùng học tập. Hình ảnh đó khiến chị luôn trăn trở, tìm cách giúp các em có thêm điều kiện, cơ hội để vươn lên. Khi biết một đồng nghiệp đang thực hiện dự án xây dựng thư viện cho học sinh vùng cao từ hoạt động bán hoa tươi, chị đã tham gia. “Em có biết đến hoạt động bán hoa tươi xây dựng thư việ cho trẻ em vùng cao của bạn Giang Châu - người sáng lập dự án qua một phóng sự phát trên truyền hình. Bạn ấy bày tỏ cần cộng tác viên. Đây là việc em thích làm nên đã xin vào nhóm để làm điều mình thích và thấy nó có ý nghĩa”, chị Ngọc cho biết.
Không chỉ bán hoa gây quỹ, lựa chọn và mua sách, chị Ngọc còn tham gia nhiều chuyến đi, tới các ngôi trường ở vùng cao để tạo dựng và trao tặng thư viện cho thầy và trò. Đó là công việc cần sự kiên trì, sáng tạo cùng tính thẩm mỹ và những hành trình vất vả nhưng đem lại cho chị niềm vui bất tận. Bởi với chị hạnh phúc là khi được cho đi. “Em không biết diễn tả cảm xúc vui sướng của mình thế nào, rất khó nói thành lời mỗi khi cùng nhóm của bạn Giang Châu đi trao tặng sách. Vì em biết mỗi cuốn sách khi đến tay các em nhỏ là thêm một cơ hội để các em vươn lên, bởi sách là chìa khóa vạn năng để mở ra mọi cánh cửa, sách là người thầy để thắp sáng những ước mơ”, chị Ngọc tâm sự.
Là nữ giới, “chân yếu tay mềm” và còn trẻ nhưng chị Trịnh Ngọc Ánh, giáo viên Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng đã thực hiện hàng chục “chuyến xe yêu thương”, đưa đón miễn phí người bệnh nghèo bằng xe cá nhân từ các tỉnh xa về Hà Nội khám, chữa bệnh.
“Em dạy học theo giờ hành chính nên em thường nhận chuyến từ 5 giờ chiều hôm trước đến tầm 6 giờ sáng hôm sau. Em cũng trao đổi với các gia đình bệnh nhân về lịch trình đó để họ biết và chuẩn bị cho chuyến đi”, chị Ánh cho biết.
Chị Ánh cho biết thời gian đầu chị thực hiện việc làm này, người thân và bạn bè không ủng hộ bởi lo ngại về vấn đề an ninh và an toàn. “Em bắt đầu nhận chuyến, đưa đón người bệnh về quê miễn phí từ khi dịch covid-19 bùng phát. Lúc đó, bố mẹ phản đối vì sợ em lây nhiễm bệnh. Là con gái, lại đi đêm về hôm nên bạn bè cũng lo lắng về lái xe không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, em thấy việc làm của mình là thiết thực nên em vẫn thực hiện từ đó đến nay. Bây giờ, mọi người đều hiểu ý nghĩa của việc em làm nên không phản đối nữa”, chị Ánh tâm sự.
Chị Ánh chia sẻ không chỉ riêng chị, trong nhóm “Chuyến xe yêu thương” cũng có nhiều bạn nữ là cán bộ, công chức, làm việc theo giờ hành chính như chị. Tất cả đều làm việc này trên tinh thần tự nguyện do xuất phát từ cái tâm. “Ai nấy đều thấy vui sau mỗi hành trình đưa đón người bệnh nghèo từ các bệnh viện ở Hà Nội về quê miễn phí. Bản thân em, em còn thấy mình trưởng thành hơn, biết tiết chế cảm xúc để điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của mình theo chiều hướng tốt hơn trong cuộc sống”, chị Ánh chia sẻ.
Hạnh phúc là khái niệm trừu tượng mà mỗi cá nhân thường có một quan niệm riêng. Có người cho rằng cuộc sống phải đầy đủ về vật chất thì mới là hạnh phúc, có người lại nghĩ rằng hạnh phúc là khi có được địa vị trong xã hội. Còn với người giàu lòng nhân ái như các bạn trẻ Trịnh Ngọc Ánh, Phạm Thị Bích Ngọc hay Nguyễn Thị Hà My, có lẽ hạnh phúc là khi được hỗ trợ, tạo cơ hội để những người nghèo, người kém may mắn vươn lên trong cuộc sống.
Nghe bài viết dưới đây: