Sinh ra, lớn lên và lập nghiệp tại xã Bình Thanh, một vùng quê thuần nông ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hơn ai hết, anh Đặng Văn Quang, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh hiểu rất rõ nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân. Trăn trở, khát khao tìm hướng đi mới cho nông nghiệp quê nhà, anh Quang là người tiên phong đưa ra phương thức sản xuất hữu cơ ở khu vực Nam Kiến Xương.

“Người dân đã quen với sản xuất truyền thống rồi vì đã có thị trường tiêu thụ sẵn rồi. Mình sản xuất cái mới không biết có được không, cái nếp nghĩ ăn sâu mấy chục năm nay rồi, thay đổi thực sự khó. Trong khi đó lực lượng lao động trẻ đi làm công ty, nhà máy hết, chỉ còn lại lực lượng sản xuất nông nghiệp từ 50 tuổi trở lên” - anh Quang trăn trở.

Thực tế cho thấy mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là phương thức hiệu quả, cho ra những cây lúa cứng cây, có màu xanh sáng, hạt lúa chắc mẩy…Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không nhận được sự ủng hộ ngay lập tức, bởi người nông dân đã quen với quy trình canh tác cũ nên còn nhiều bỡ ngỡ.

Vượt qua những khó khăn từ những ngày đầu thành lập, anh Đặng Văn Quang đã mạnh dạn duy trì và mở rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ, canh tác trên diện tích 110-130 ha, sản lượng mỗi vụ tiêu thụ đạt 600-700 tấn thóc. Mô hình này đang từng bước hướng nông dân tiến đến nền nông nghiệp phát triển an toàn, bền vững, góp phần xây dựng thương hiệu lúa, gạo “Chợ Gốc” trên thị trường.

Anh Quang cho rằng “Cái này chắc chắc nếu không dám chịu trách nhiệm thì không thể triển khai được, vì lòng tin của nhân dân đặt hết vào mình rồi. Thế nên cần có sự cương quyết, đưa ra những cách làm sáng tạo”.

Thành công với thương hiệu “Gạo Chợ Gốc” đạt tiêu chuẩn OCOP “3 sao”, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh còn tận dụng khai thác nguồn lợi tự nhiên của quê hương như “con cáy”, “con rươi” để làm sản phẩm nước mắm. Chị Bùi Phương Thụy, Hội viên Hợp tác xã tự hào về thành quả của những người nông dân dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng thay đổi, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao thương hiệu gạo Việt.

“Đồng chí Đặng Văn Quang vất vả nhất, mọi cái công việc, sản xuất...rất vất vả, năng nề. Anh em trong HTX luôn động viên nhau đoàn kết, phải cố gắng vươn lên.” – chị Thụy chia sẻ.

Xót xa khi chứng kiến cảnh người nông dân bỏ ruộng, không trồng lúa vì không có lợi nhuận, chị Trần Thị Lanh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh (xã Bình Minh) quyết tâm đổi mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nghĩ là làm, năm 2008, chị Lanh bắt tay vào hiện đại hóa sản xuất lúa thông qua dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, phát triển mô hình sản xuất quy mô lớn.

“Có người đặt câu hỏi tại sao lại lao vào công việc vất vả, khổ cực như vậy, chị em trêu nhau “Làm cho giời xem”, vì không có lợi nhuận” – chị Lanh không quên quãng thời gian khó khăn khi bắt đầu.

Thế nhưng, chị vẫn quyết tâm làm, bởi “Mình nghĩ lợi nhuận là một phần, phần lớn là giải quyết được không để lãng phí đất. Mình cũng thấy vui vì góp phần nhỏ bé vào thay đổi cách làm của người nông dân”.

Để đạt được những kết quả như hiện tại, chị Lanh đã phải trải qua biết bao trở ngại bởi nói thì dễ, nhưng thay đổi tư duy của người nông dân thì quả là khó. Cách làm của chị bị không ít ý kiến cho rằng là đi “ngược dòng”, ngược lại với suy nghĩ đám đông. Dù vậy chị vẫn quyết tâm, mạnh dạn từng bước đầu tư, nhưng làm “chậm mà chắc”.

“Khi thay đổi giữa cũ và mới rất khó khăn, không phải phổ biến cái là người ta thực hiện ngay. Nói bà con cũng không tin, mà mình phải làm và trả lời bằng việc làm” - chị Lanh khẳng định.

Chứng minh bằng hiệu quả thực tế, chị Lanh đã cho người nông dân quê mình thấy áp dụng cơ giới hóa là chìa khóa để nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng. Người nông dân xã Bình Minh bây giờ đã trở nên quen thuộc với máy cấy, máy cày, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật hay máy gặt...

Đến nay chị Lanh đã gom được gần 100 ha ruộng, chủ động tất cả quy trình sản xuất từ gieo trồng, thu hoạch, sấy khô và tiêu thụ. Nhiều khâu đạt tỷ lệ cơ giới hóa 100% như khâu làm đất, tưới nước…Nhưng điều khiến chị vui nhất là người nông dân từng bước chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” vốn đã ăn sâu vào trong tiềm thức sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”.

“Cho đến thời điểm này, tôi hài lòng vì đã giúp bà con thay đổi cách làm, cách nghĩ, đi theo đúng xu hướng Đảng và Nhà nước ta đang có kế hoạch cơ giới hóa, thay đổi tư duy cũ, tiến sang tư duy kinh tế nông nghiệp” – chị Lanh phấn khởi cho biết.

Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới, anh Đặng Văn Quang và chị Trần Thị Lanh là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tư duy, đột phá để hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” không còn hiện hữu trên cánh đồng và trong suy nghĩ người nông dân. Từ đó mở ra những hướng đi mới hiệu quả, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.