Nhằm phát huy tinh thần thi đua vượt khó, sáng tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khởi động chương trình “Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Đây cũng là mục tiêu các doanh nghiệp luôn hướng tới, nhất là từ khi dịch covid-19 lắng xuống. Chính vì thế, thời gian qua, các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn coi chương trình này như một hoạt động thường xuyên bởi những lợi ích mà nó mang lại.

Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương là một điển hình. Theo bà Chu Hương Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty, dịch covid-19 đã đẩy nhiều doanh nghiệp lâm cảnh cảnh khó khăn do phải tạm dừng sản xuất. Đời sống của người lao động cũng chật vật vì thiếu việc làm, giảm thu nhập. Do đó, từ khi thực hiện chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19", các công ty, doanh nghiệp đều đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất nhằm khơi dậy tinh thần vượt khó, sáng tạo của lao động. Công ty Minh Dương cũng không ngoại lệ. “Mỗi doanh nghiệp tùy theo loại hình công việc khác nhau đều có phong trào thi đua khác nhau. Tại công ty chúng tôi, phong trào thi đua được Ban giám đốc và Công đoàn rất quan tâm. Từ cuối năm trước, công ty đã thiết lập các chương trình đi đua khen thưởng và triển khai từ đầu năm sau. Người lao động, ai nấy đều đề cao kết quả sản xuất và cho đó là niềm vui, hạnh phúc khi đạt được kết quả đó”, bà Giang cho biết.

Công ty TNHH Canon Việt Nam – đơn vị có hơn 22 nghìn công nhân đang làm việc ở các địa phương, cũng luôn tìm cách phát huy tinh thần vượt khó, sáng tạo của người lao động. Có thể kể đến là phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”. Đây là hoạt động được triển khai hàng tháng với kết quả thu được rất đáng khích lệ. Bà Đào Thị Thu Thúy, Trưởng Phòng An toàn, Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, thông qua phong trào đã có hàng trăm ý tưởng của người lao động được đề xuất mỗi năm, nhiều sáng kiến được ứng dụng, làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng. “Người Việt Nam mình thông minh lắm. Họ rất giỏi nữa. Công ty chúng tôi có những bạn đã thiết kế ra được những thiết bị tự động hóa, thay đổi được các khâu trong sản xuất. Chúng tôi vừa gửi hơn 500 sáng kiến, sáng tạo lên Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội, với giá trị mỗi sáng kiến làm lợi 80 triệu đồng cho doanh nghiệp. Đó là những sáng kiến đã được áp dụng vào thực tế”, bà Thúy tự hào.

Theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, đây là giai đoạn khó khăn với doanh nghiệp và người lao động. Để cải thiện tình hình, cách tốt nhất là thi đua vượt khó, sáng tạo. Ý thức như vậy nên cả doanh nghiệp và người lao động đều nỗ lực hết mình nhằm tăng năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm, qua đó gia tăng doanh thu, nâng cao thu nhập của người lao động. “Tôi nghĩ người lao động cũng hiểu, càng khó khăn thì càng phải phấn đấu sản xuất tốt hơn. Thông qua các sáng kiến, sáng tạo thì tay nghề của người lao động giỏi hơn, sản phẩm chất lượng hơn. Chi phí cấu thành sản phẩm giảm thì lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên, thu nhập của người lao động cũng tăng theo”, ông Hùng chia sẻ.

Đại dịch covid-19 đã tạo ra khó khăn, thách thức chưa từng có với doanh nghiệp và người lao động. Đây cũng là lúc cả hai phía thể hiện sự nỗ lực và sáng tạo để cùng nhau vượt khó, đi lên./.

Nghe bài viết dưới đây: