"Xây dựng nông thôn mới" không chỉ là điện, đường, trường, trạm

Ngày 27/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thừa nhận có áp lực trước những yêu cầu, câu hỏi mà nhiều ĐBQH đặt ra nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan thống nhất với tư tưởng chung của các ĐBQH, đó là, mục tiêu cuối cùng Chương trình Xây dựng nông thôn mới có thể chỉ tiêu này đạt được, chỉ tiêu kia không đạt được nhưng quan trọng là làm sao nông thôn phải nơi đáng sống, đáng tìm đến và là nơi để chúng ta quay về.

Đi vào từng nội dung mà các ĐBQH đặt ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn nói, tính bền vững của Chương trình Xây dựng nông thôn mới liên quan trực tiếp đến thu nhập, sinh kế của người dân.

Bộ trưởng cho rằng, một trong những cái “bẫy” của Chương trình Xây dựng nông thôn mới nằm ở chính cái tên của Chương trình là: “Xây dựng nông thôn mới”. Các địa phương cứ thấy chữ "xây dựng" là thiên về hạ tầng, là cầu, đường, trụ sở...

Chính vì cách hiểu chưa đầy đủ về Chương trình nên các địa phương thiếu quan tâm đến việc nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thông qua sinh kế.

“Nếu 5 năm trước cũng trồng 1 hecta lúa, 5 năm sau cũng trồng 1 có hecta lúa như truyền thống thì không thể nào chúng ta tăng thu nhập lên 1,5 lần. Nếu chúng ta hỗ trợ cho người dân vay tiền để giảm nghèo, để sản xuất ra một mặt hàng nào đó mà chúng ta không kết nối được bà con tới thị trường thì không thể nào nâng cao thu nhập gấp 1,5 lần. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng để tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với các tiện ích của đô thị thì mặt khác phải chú trọng hơn những giá trị mới.” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Lý giải thêm về tính bền vững của Chương trình quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Trong đó chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông thôn làm nền tảng để tạo ra được động lực phát triển nông thôn.

“Tư duy bền vững là tư duy nâng cao chất lượng sống, nâng cao thu nhập và bằng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, gắn với chuỗi ngành hàng từ công nghệ sau thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường - đó mới là bền vững.” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng băn khoăn trong thời gian vừa qua nhiều địa phương khi có một Chương trình gì đó là nghĩ sẽ được bao nhiêu vốn, được giao công trình gì? Trong khi vấn đề về kinh tế hợp tác, vấn đề tạo sinh kế cho người dân thì chưa được chú ý.

Bản sắc văn hóa chính là hồn cốt của nông thôn

Về xây dựng những giá trị nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, bản sắc văn hóa chính là hồn cốt của nông thôn. Theo Bộ trưởng, không gian sống và không gian sản xuất cả nghìn năm nay phải được xem là một tài nguyên để gìn giữ. Đồng thời, nông dân cũng phải tiếp cận được ánh sáng, tri thức, tiếp cận được những điều mới mẻ, biết hợp tác với nhau, biết làm chủ vận mệnh của mình.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan liên hệ, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chỉ có vài nông dân biết lên mạng để bán hàng. Như vậy, vấn đề tri thức hóa người nông dân phải chú ý trong thời gian ngắn sắp tới. Để làm sao người nông dân tiếp cận được với chương trình OCOP, biết làm du lịch, biết bảo quản, chế biến nông sản của mình, biết tìm kiếm thị trường, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, với các chuyên gia để biết được cách trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi…

Khi xây dựng nông thôn mới trên nền tảng từ chủ thể là người nông dân, nông dân được tri thức hóa, được thay đổi thì mới có một nông thôn mới phát triển bền vững. Lúc đó thu nhập, sinh kế và chất lượng sống của người nông dân sẽ tăng lên.

Cuối cùng, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đội ngũ lãnh đạo cấp xã chính là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình Xây dựng nông thôn mới.

“Cán bộ huyện xuống rồi về, cán bộ tỉnh xuống rồi về, cán bộ Trung ương cũng xuống rồi về. Vậy ai là người gần gũi, thường xuyên hàng sáng ra đồng, buổi chiều, buổi tối cùng ngồi với bà con để thấu cảm với bà con? Tìm những điểm nghẽn, điểm khó trong sản xuất, trong kinh doanh, trong kết nối thị trường với bà con để thay đổi những tập quán của bà con? Không ai khác chính là đội ngũ cán bộ ở cấp xã. Do vậy, sắp tới cần có một chương trình tập huấn riêng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã để tiếp cận được những giá trị mới của chương trình.”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.