Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giao thông bị hạn chế khiến một số nơi tại tỉnh Bình Dương có những thời điểm, các cửa hàng, siêu thị thiếu hụt hàng hóa. Nhiều người từng lo sẽ xảy ra tình trạng “găm hàng, tăng giá”. Thế nhưng thực tế lại khiến người ta “rơi nước mắt” vì cảm động. Anh Nguyễn Văn Thái, ở phường Chánh Mỹ, TP. Thủ Dầu Một là một trong số đó. Mưu sinh bằng nghề xe ôm, thu nhập bếp bênh nên cuộc sống thường ngày của anh chỉ ở mức “đủ ăn đủ tiêu”. Chính vì thế, khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát cũng là lúc anh bắt đầu lo lắng về cuộc sống. “Nguồn tiền tích lũy không đáng kể, “kế sinh nhai” bị tạm dừng vì giãn cách xã hội, trong khi đó phí sinh hoạt như tiền thuê trọ, tiền điện, nước và tiền mua đồ ăn, thức uống thì vẫn phải chi đều”, anh Thái than thở.

Đang loay hoay chưa biết vay mượn ai để trang trải cho những ngày tiếp theo, anh Thái được cán bộ Hội Chữ thập đỏ phường đến gửi giấy mời đi chợ miễn phí. “Em đi chợ 3-4 lần, mua gạo, trứng, rau…Nói chung, chợ đầy đủ các loại thực phẩm cho mình lựa. Mỗi lần đi về ăn được cả tuần. Em rất xúc động vì đúng lúc mình khó khăn mà được đi chợ miễn phí”, anh Thái bày tỏ.

Chị Phạm Thị Ngọc Thu cũng từ địa phương khác về thuê trọ tại phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chị làm công nhân, lương bình quân 6 triệu đồng/tháng. Chồng là thợ hồ, công việc không ổn định. Thu nhập của hai vợ chồng trong điều kiện bình thường để nuôi 3 con nhỏ vốn đã hết sức chật vật. Khi dịch bệnh bùng phát, mất việc làm và thu nhập, chỉ riêng việc lo chi phí ăn uống hàng ngày cho 5 miệng ăn đã là áp lực rất lớn. Chị Thu cho biết đã được nhận 1,5 triệu đồng từ gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ. Tuy nhiên, số tiền ấy chỉ như “muối bỏ biển”. Nếu không có được sự hỗ trợ từ “Phiên chợ 0 đồng” của Hội Chữ thập đỏ, chị không biết phải xoay sở ra sao. “Các cháu đều đang ở tuổi ăn tuổi lớn. Gia đình lại không có nguồn tích lũy. Mỗi lần đến chợ lựa đồ, em đều rớt nước mắt vì vui”, chị Thu chia sẻ.

Dù khó khăn nhưng từ trước đến nay chưa khi nào cuộc sống của gia đình chị Thu rơi vào cảnh “ăn bữa trước lo bữa sau” như hiện tại. Sự trợ giúp từ “Phiên chợ 0 đồng” vì thế không chỉ khiến chị và những người đến mua mà không phải trả tiền đều cảm động mà còn hiểu hơn câu nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Ý nghĩa của “Phiên chợ 0 đồng” cũng không chỉ dừng ở niềm vui của người nhận. Các cán bộ, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ - những người tổ chức phiên chợ này cũng hạnh phúc không kém khi chứng kiến những nét mặt rạng ngời khi đến chọn hàng. “Chúng tôi là những người làm công tác nhân đạo. Còn gì hạnh phúc hơn khi được thấy bà con vui mừng đến lựa chọn hàng. Niềm vui của bà con chính là thành quả lao động của chúng tôi”, chị Nguyễn Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hiệp Thành, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lệ Trinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương cho biết “Phiên chợ 0 đồng” là hình thức hỗ trợ không mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày, để tổ chức “phiên chợ” thiết thực, hiệu quả và phải an toàn là không hề đơn giản. Đặc biệt, khi tỉnh Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng bị hạn chế, để “Phiên chợ 0 đồng” có đủ và đa dạng các loại hàng hóa thiết yếu càng không dễ. Tuy nhiên, với cái “tâm” và trách nhiệm, các cán bộ, hội viên và tỉnh nguyện viên Chữ thập đỏ đã hoàn thành xuất sắc công việc. Ước tính có khoảng 140 ngàn lượt người dân đã được nhận hỗ trợ về lương thực, thực phẩm từ “Phiên chợ 0 đồng”. Quan trọng hơn cả, dù dịch tại Bình Dương diễn biến phức tạp nhưng không có một cá nhân nào bị lây nhiễm bệnh liên quan đến phiên chợ. “Niềm vui của chúng tôi được nhân lên nhiều lần. Khi nhận hàng của các địa phương, tổ chức, đoàn thể gửi về chúng tôi đã ứa nước mắt vì vui. Hạnh phúc hơn nữa là khi chứng kiến những nét mặt rạng ngời của bà con đến chọn hàng. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục tổ chức Chợ 0 đồng cho đến khi nào không còn ai khó khăn vì dịch bệnh”, bà Trinh thổ lộ.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể còn kéo dài. Trong lúc khó khăn, những việc làm, nghĩa cử cao đẹp của mỗi tổ chức, cá nhân đều vô cùng quý giá. Không chỉ làm ấm lòng những hoàn cảnh khó khăn, những việc làm như "Phiên chợ 0 đồng" của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Dương còn lan tỏa yêu thương, góp phần củng chiến thắng dịch bệnh.