Phải ngồi xe lăn nhưng với bàn tay và khối óc, anh Phạm Việt Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KymViet đã làm được những điều tưởng chừng chỉ có trong chuyện cổ tích: Thay đổi số phận của bản thân và góc nhìn của xã hội về người khuyết tật, đồng thời góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tuổi thơ “dữ dội” dù phải ngồi xe lăn

Anh Phạm Việt Hoài được sinh ra trong gia đình gia giáo. Cả bố và mẹ đều là giáo viên. Tuổi thơ đang đẹp thì anh bị tai nạn khi lên 7 tuổi, bị chấn thương cột sống và liệt hai chân. Kể từ đó, cuộc sống phải gắn với chiếc xe lăn. Dẫu vậy, là cậu bé thông minh, hiếu động nên anh thấy việc phải ngồi trên xe lăn chỉ là sự bất tiện. “Hồi ấy, bọn bạn chơi quay, chọi gà, chọi cá… tôi cũng chơi. Thậm chí, khi thấy người ta phá dỡ công trình cũ, tôi còn cùng bọn bạn đi đẽo vữa lấy gạch rồi xếp lên xe lăn mang đến các bãi tập kết vật liệu xây dựng bán lại để lấy tiền mua bánh, mua kẹo. Tôi thấy mình chẳng thua kém gì bọn bạn cả”, anh Hoài nhớ lại.

Mang trong mình những suy nghĩ lạc quan nên anh Hoài cũng tạo cho mình lối sống tự tập từ nhỏ. “Trong học tập, tôi được bố, mẹ kèm cặp, hướng dẫn. Còn trong sinh hoạt hàng ngày, tôi thường cố gắng tự làm mọi việc. Nhiều lần, tôi bị ngã trong nhà tắm, mọi người chạy vào nâng đỡ, tôi đều gạt đi và cố gắng tự đứng dậy. Tôi nghĩ đơn giản là khi bố mẹ không còn nữa thì ai sẽ giúp mình!”, anh Hoài chia sẻ.

Không chỉ nghĩ cho riêng mình

Với bản tính năng động, anh Hoài bươn trải từ sớm. Năm 18 tuổi, anh đã cùng hai người bạn mở một cửa hàng dịch vụ photocopy. Thu nhập không đạt như kỳ vọng, anh lại kêu gọi bạn bè hùn vốn chuyển sang đầu tư vào một cơ sở đúc hàng rào bê tông theo công nghệ mới. Công việc thuận lợi nên sau anh vài năm, anh đã có tiền tỷ trong tay. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm anh nhận ra không phải người khuyết tật nào cũng có thể làm chủ cuộc sống của mình như anh. “Rất nhiều người khuyết tật vẫn còn khả năng lao động nhưng công việc mà họ có thể làm được không nhiều”, anh Hoài tâm sự. Đó cũng là điều anh trăn trở.

Một lần nữa, anh Hoài quyết định thử sức mình với việc mở công ty sản xuất thú nhồi bông chất lượng cao. “Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là tạo việc làm cho người khuyết tật còn khả năng lao động, thông qua đó giúp họ cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, ngay từ đầu tôi và các cộng sự đều xác định thành lập Kym Việt là Công ty cổ phần chứ không phải doanh nghiệp xã hội để kêu gọi hỗ trợ từ thiện”, anh Hoài chia sẻ.

Xác định “không bán nước mắt cho khách hàng”, nên anh và các cộng sự tập trung vào khâu sản xuất để cho ra đời những sản phẩm thú nhồi bông chất lượng cao. “Có lần tôi và những người bạn sáng lập đi chào hàng, người ta tưởng bọn tôi đến xin tiền. Họ hỏi thẳng: “Tóm lại là các anh cần bao nhiêu tiền”. Tôi đáp: “Chúng tôi không muốn mua nước mắt của khách hàng, các anh hãy nhìn sản phẩm, nếu thấy tốt và quan tâm đến thì hợp tác”, anh Hoài nhớ lại. Anh cho cho biết, chính những người này sau đó đã đến thăm xưởng và trở thành đối tác lâu dài với Kym Việt.

Ban đầu, Kym Việt chỉ có vài lao động, đều là người khuyết tật vận động, câm điếc. Tài sản chỉ vọn vẹn 2 chiếc máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 cái bàn là, hoạt động trong khoảnh sân rộng chừng 5 m2 nhà thờ họ của một thành viên công ty. Đến nay, công ty đã có gần 30 nhân viên, trong đó 25 công nhân là người câm điếc. Thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Với người khỏe mạnh, khoản tiền đó không lớn. Tuy nhiên, đó là yếu tố làm thay đổi cuộc sống của những người khuyết tật đang làm việc tại đây. Chị Nguyễn Nguyễn Thị Minh Thủy là một trong số đó. Do khả năng nghe bị hạn chế nên chị Thủy phải bỏ dở việc học. Xin việc nhiều nơi chị đều bị từ chối vì không trình độ, bằng cấp. Gia cảnh lại khó khăn nên suốt thời gian dài, chị cảm thấy cuộc sống như đi vào ngõ cụt. Mãi đến khi được giới thiệu vào Kym Việt, được “cầm tay chỉ việc” để tạo ra những con thú nhồi bông, chị mới bớt đi những suy nghĩ tiêu cực. “Trước đây, cả ngày em chỉ quanh quẩn trong nhà phụ giúp mẹ nấu cơm. Cuộc sống nhàm chán, muốn mua cái gì cũng không có tiền. Vào đây, em được làm việc phù hợp với khả năng. Hàng tháng em có thu nhập. Hàng ngày em được giao tiếp với các bạn cùng cành ngộ. Đấy là những điều trước kia, nằm mơ em cũng không nghĩ tới và nó giúp em trút đi được gánh nặng tâm lý mình là người thừa trong xã hội. Em cũng tự lo cho cuộc sống của mình, đồng thời thỉnh thoảng gửi về cho mẹ một ít tiền”, chị Thủy tâm sự.

Anh Kiều Tuấn - người phụ trách khâu thiết kế, tạo mẫu các sản phẩm cho Kym Việt chia sẻ, một yếu tố nữa làm thay đổi cuộc sống của những người khuyết tật như chị Thủy là tinh thần lạc quan, ý chí và nghị lực được lan tỏa từ anh Phạm Việt Hoài. Bản thân anh Tuấn cũng vậy. Nhận thấy anh Hoài là người đầy tâm huyết với việc sản xuất thú nhồi bông - một trong những công việc phù hợp với người khuyết tật, nên anh đã gắn bó với Kym Việt suốt 5 năm nay. “Trong xã hội có nhiều người muốn làm gì đó để giúp đỡ người khuyết tật nhưng không phải ai cũng dám làm. Thực tế, họ cũng ít có cơ hội làm. Còn với tôi, trong thâm tâm, tôi cũng mốn làm điều gì tốt cho cộng đồng người khuyết tật. Vì thế, khi tôi tiếp cận việc sản xuất thú nhồi bông của anh Hoàn, tôi thấy rất hay và có khả năng phát triển bền vững nên đã nắm bắt cơ hội và song hành với anh”, anh Tuấn tâm sự.

“Chắp cánh” cho thú nhồi bông “bay” ra thế giới

Thị trường thú nhồi bông luôn có sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả. Vì thế, nói đến thú nhồi bông, người tiêu dùng thường nghĩ ngay đến những mặt hàng giá rẻ. Trong khi đó, những sản phẩm của Kym Việt lại không hề rẻ.

Giá không rẻ mà hàng vẫn bán được. Để có được thành công đó, Kym Việt đặc biệt coi trọng chất lượng sản phẩm. Toàn bộ nguyên liệu sản xuất đều phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tiêu chí bảo đảm an toàn sức khỏe được đặt lên hàng đầu. “Từ năm 2015, các sản phẩm của chúng tôi đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cấp tem Quacert. Đến giờ, cứ 6 tháng một lần, họ lại đến lấy mẫu ngẫu nhiên và kiểm tra về tính cơ lý và hóa lý. Cơ lý là độ bền của các nguyên liệu làm ra sản phẩm; hóa lý là các nguyên liệu này có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng không…”, anh Hoài cho biết.

Tuy nhiên, theo anh Hoài, yếu tố quan trọng để người tiêu dùng yêu thích những con thú nhồi bông mang thương hiệu Kym Việt còn nằm ở sự khác biệt về giá trị. “Tôi có thể tự tin nói rằng mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật. Bởi lẽ, trước tiên đó là những sản phẩm thủ công tinh xảo. Trước khi được tạo ra bởi bàn tay của những người câm điếc, chúng được lên ý tưởng, thiết kế bởi những người có chuyên môn về mỹ thuật. Vì thế, mỗi sản phẩm đều rất có hồn, chứa đựng những nét văn hóa của người Việt mình trong đó”, anh Hoài tự hào.

Chưa dừng lại ở đó, chính anh Hoài là người “chắp cánh” để các sản phẩm của mình theo các chuyến bay đến với bạn bè quốc tế, thông qua đó quảng bá văn hóa và con người Việt Nam. Minh chứng là từ 2017, một số mẫu thú nhồi bông của Kym Việt đã được chọn là tặng phẩm cho du khách trên chuyến bay yêu thương của Vietnam Airlines dịp Trung thu 2017 hay tham dự các sự kiện tuần văn hóa. Cũng từ đó, công ty của anh đã có những chuyến hàng xuất đi thị trường Mỹ…

Gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thường xuyên đặt hàng các sản phẩm của anh để làm quà tặng cho các vị khách nước ngoài.

“Bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm tinh xảo, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam chúng tôi đang đẩy mạnh phát triển các điểm dịch vụ cà phê. Tại đây, khách hàng có thể gọi đồ uống bằng ngôn ngữ ký hiệu, cùng với các công nhân của chúng tôi – những người câm điếc để tự tay làm ra những sản phẩm thú nhồi bông, qua đó hiểu hơn về những nét văn hóa của người Việt Nam”, anh Hoài cho biết.