Hiện nay, nguồn năng lượng tái tạo đóng góp vào hệ thống điện toàn cầu trung bình là 15,7%. Tại khu vực Đông Nam Á,Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để bứt phá trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, với khoảng 15% trong hệ thống điện quốc gia. Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện Bộ đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về Biến đổi Khí hậu nhằm hiện thực hóa các cam kết tại COP 26, trong đó nêu rõ các định hướng để dịch chuyển sang các nguồn năng lượng khác ít phát thải hơn như năng lượng gió, năng lượng mặt trời….

Hiện nay, công suất điện mặt trời chiếm 24% tổng hệ thống điện quốc gia, đạt 16.640MW. Ở nước ta, cho đến thời điểm này, điện mặt trời và điện gió là hai mảng năng lượng điện được Nhà nước ưu tiên đầu tư và phát triển. Tỷ trọng nguồn điện của điện mặt trời trong lưới điện quốc gia đã đươc nâng từ 4% lên 17% (theo Dự thảo Quy hoạch điện năm 2025), tăng 4 lần so với kế hoạch ban đầu. Điều đó cho thấy quyết tâm chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh của nước ta. Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam rất lớn và bước đầu đã có một số cơ chế để khuyến khích đầu tư.

Trên thực tế, dựa vào điều kiện khí hậu của nước ta, điện mặt trời và điện gió là nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng nhất của nước ta cũng như trên thế giới cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, đối với nước ta, thời gian qua, sự phát triển mạnh của hai dạng năng lượng này đã dẫn đến mất cân đối nguồn nếu tính theo vùng miền. Ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho biết, điện mặt trời và điện gió chủ yếu phát triển ở miền Trung và miền Nam. Hiện nay, 96% nguồn điện mặt trời vận hành tại miền Nam và miền Trung, trong khi chỉ có 4% nguồn điện mặt trời vận hành tại miền Bắc.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công thương, việc quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản cũng như việc tích hợp các nguồn điện như điện mặt trời vào hệ thống điện cần tăng tính dự phòng của hệ thống nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện quốc gia, dẫn đến tăng chi phí đầu tư cho hệ thống.

Để phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai, nhất là nguồn năng lượng mặt trời không chỉ cần những đột phá về mặt cơ chế chinh sách của Nhà nước mà còn cả việc thực hiện hiệu quả và thu hút được các nguồn vốn vào lĩnh vực này. Có như thế, năng lượng tái tạo mới khẳng định và đóng góp hiệu quả trong hệ thống điện của nước ta./.