Trước thực trạng 262 cây phong lá đỏ, trong đó có 119 được trồng thí điểm trên đường Nguyễn Chí Thanh và 143 cây trồng trên đường Trần Duy Hưng từ đầu năm 2018 bị hạn chế khả năng sinh trưởng phát triển dẫn đến thân cành khẳng khiu, lá úa tàn, văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn về phương án thay thế bằng cây trồng khác.

Sở Xây dựng đã đề xuất hai phương án thay thế: Một là trồng thay thế bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ. Hai là trồng đan xen giữa 1 cây bàng lá nhỏ và 1 cây cọ dầu. Bên cạnh đó, Sở đề nghị đơn vị đã tài trợ ( tức Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường) phải tự đánh cây chuyển đi trồng ở nơi khác. Còn nếu công ty này không thực hiện được mà có đề xuất thành phố hỗ trợ thì Sở sẽ giao cho Công ty Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện. Dự kiến việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2021.

Có người nói rằng trồng không được thì thay thế cây khác, phải thử thì mới biết có được hay không. Nhưng quy hoạch cây xanh đô thị là nội dung quan trọng nhằm tạo ra một môi trường đô thị lý tưởng và nâng cao chất lượng môi trường kiến trúc cảnh quan, đặc biệt trong những điều kiện mới của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra, chứ không thể phủi bằng một câu “thử xem sao, không được thì thôi”, đây là sự lãng phí cả về thời gian và tiền của.

Lại có ý kiến đưa ra biện minh: Đây là kinh phí từ nguồn xã hội hóa và được công ty cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường trồng thí điểm, tặng thành phố. Nhưng phải ngẫm ra cái chữ “tặng” này được đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay có còn nguyên nghĩa hay không? Dù là tặng hay là từ nguồn vốn của nhà nước thì cũng cần phải được nghiên cứu và khảo nghiệm kỹ lưỡng, chứ không thể làm trồng theo cảm tính.

Theo ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, việc trồng cây phong lá đỏ như vậy là quá vội khi chưa tiến hành nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng và đặc điểm, địa lý.

“Cây phong là cây của xứ ôn đới, khi mang về Việt Nam trồng là xứ nhiệt đới, mà lại được trồng trên dải phân cách của trục đường nhựa như vậy thì rất khó để cây có thể sinh trưởng phát triển tốt. Mùa hè nắng nón, những con đường trải nhựa càng sinh nhiệt khiến cây trồng ôn đới khó có thể phát triển được. Để nhập một giống cây trồng chúng ta cần phải thử nghiệm ở một môi trường tương tự trong một thời gian nhất định xem có phù hợp với sinh thái và điều kiện khí hậu hay không. Thứ hai là cây trồng trong thành phố còn chịu nhiều tác động từ yếu tố đất và việc chăm sóc hàng ngày nên đã khó lại càng khó hơn".

Ông Đào Thế Anh cũng cho rằng, ở VN cũng có rất nhiều cây trồng có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, có thể được dùng làm cây che bóng và tạo cảnh quan cho thành phố. Hệ sinh thái cây xanh của chúng ta cũng rất đa dạng, nên hướng tới những cây bản địa hơn là nhập bên ngoài.

“Giấc mơ trời Âu” giữa lòng thủ đô đã tan vỡ, bao nhiêu kỳ vọng hóa thất vọng, nguyên nhân là do không có sự khảo nghiệm kỹ càng. TS. KTS Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc cảnh quan Việt Nam nhận định:

“Quy hoạch cây xanh đô thị cần phải được nghiên cứu trên quan điểm tích hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, cần coi đó là một nội dung thuộc hạ tầng cảnh quan trong quá trình lập đồ án quy hoạch. Nội dung hướng đến giải quyết định hướng hệ sinh thái đô thị và mật độ cây xanh đô thị cho mỗi khu vực đặc thù. Năm 2014 UBND Hà nội có Quyết định 1495/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, đồ án này mới chỉ dừng lại ở quy hoạch đất xanh. Qua đó thể hiện việc chưa thống nhất thế nào là quy hoạch cây xanh đô thị và thế nào là quy hoạch đất xanh đô thị.”

Do không có định hướng quy hoạch chuẩn, dẫn đến hiện tượng trồng cây xanh trên các tuyến đường đang phải thực hiện theo từng giai đoạn. Ví dụ, có thời điểm trồng hàng loạt một loại cây trên các tuyến đường như phượng tím, bàng Đài Loan, chà là, dáng hương quả to… thậm chí trồng cây ở khu vực không phù hợp, như trồng bàng Đài loan ở dưới gầm đường sắt trên cao, trồng phượng trên những giải phân cách có độ rộng không đảm bảo cho cây phát triển.. Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn cho rằng bên cạnh xây dựng hình ảnh mang tính đặc trưng cho từng độ thị, việc khai thác các loài cây mới cho mỗi đô thị là hoàn toàn bình thường.

Hiện nay, chỉ số tỷ lệ cây xanh/ một người của các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20 - 25 m2/người. Trong đó, nhiều quốc gia đạt tỷ lệ cao như Singapore 30,3 m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41 m2/người, Berlin (Đức) 50 m2/người... Còn chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của Liên Hiệp Quốc đưa ra ở mức tối thiểu là 10 m2. Nhưng tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam lại chỉ ở mức từ 2 - 3 m2/người. Thực tế này cho thấy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 so với thế giới

“ Việc trồng và phát triển những loại cây mới là một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng để tìm ra những loài cây mới trồng bổ sung cho đô thị, việc này góp phần làm đa dạng thành phần loài cây xanh, tăng khả năng lựa chọn loài cây linh hoạt, đồng thời khai thác giá trị đặc trưng của mỗi loài cây cho từng không gian đô thị khác nhau. Ví dụ, như người Pháp trước đây cũng du nhập cây xà cừ từ Châu Phi hay cây sao đen từ miền Nam về để trồng trên những tuyến đường có vỉa hè rộng, hoặc trong các vườn hoa công viên có quỹ đất phù hợp… Đấy là chưa kể đến sự đa dạng về thành phần loài của chính Việt Nam chúng ta; hiện còn rất nhiều loài cây xanh có thể khai thác từ tự nhiên và sử dụng hiệu quả nhằm đa dạng hình thức không gian kiến trúc cảnh quan cho các đô thị, đồng thời tìm kiếm những giải pháp nhằm tưng sự lựa chọn loài cây xanh mới trong những điều kiện phát triển đô thị mới và thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại cũng như đặc điểm tự nhiên – kết quả của hiện tượng biến đổi toàn cầu gây ra. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải thử nghiệm khả năng thích ứng, trồng thí điểm trước khi triển khai đại trà trên diện rộng như thời gian qua.”

Rõ ràng việc chỉnh trang đô thị hiện nay của Hà Nội chưa thực sự đồng bộ vì chưa có giải pháp triển khai tổng thể, không chỉ đối với cây xanh đô thị nói riêng mà còn cả với hệ thống hạ tầng đô thị nói chung.

Nhắc đến những cây phong lá đỏ này chúng ta lại ngậm ngùi nhìn sang tuyến xe buýt nhanh BRT trên đường Tố Hữu, Lê Văn Lương... thưa thớt người sử dụng. Điều này không chỉ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc mà quan trọng hơn hết là đánh mất niềm tin của người dân. Có thể mong muốn ban đầu là tốt đẹp, nhưng đây rõ ràng là minh chứng cho việc nghiên cứu chưa thấu đáo và bất chấp quy hoạch.

Việc này cũng sẽ xảy ra với các đô thị mới nếu quy hoạch cây xanh đô thị chưa được coi là một yếu tố hạ tầng đô thị và không được đưa vào là một nội dung của các đồ án quy hoạch. Khi đã không đồng bộ sẽ dẫn đến việc chồng chéo, đào lên, lấp xuống, làm đi làm lại trong triển khai thực hiện đồ án quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó, khai thác tính liên ngành trong quá trình triển khai chỉnh trang đô thị còn hạn chế do không có kế hoạch tổng thể và cơ chế quản lý theo ngành dọc mà chưa có đơn vị quản lý. Chính vì vậy, việc gây ra lãng phí trong công tác chỉnh trang đô thị là điều không thể tránh khỏi. Chưa kể vấn đề xã hội hóa hiện này còn lệ thuộc vào những nguồn lực nào, nhất là khi nguồn lực xã hội hóa lại chính là nơi cung cấp nguồn cây xanh. Việc cần làm hiện nay là phải dựa vào nội dung quy hoạch cây xanh đô thị để lựa chọn vị trí triển khai thực hiện cho phù hợp, đồng thời cần xin ý kiến chuyên gia kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị nếu là những loài cây mới sau khi đã di thực và trồng thử nghiệm thành công.

Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Hiện nay việc nhập khẩu trồng cây nước ngoài được thực hiện theo Thông tư 04/2015 của BNNPTNN, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Thông tư 04 quy định, riêng đối với trường hợp nhập khẩu giống cây trồng để phục vụ dự án xây dựng đường giao thông phải bổ sung bản sao chứng thực Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale - CFS) do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp hoặc bản sao chứng thực một trong các giấy tờ sau: giấy xác nhận phù hợp chuẩn, giấy công nhận giống cây trồng mới, giấy xác nhận giống cây trồng không nằm trong Danh mục cấm sử dụng của nước xuất khẩu, giấy chứng nhận khác có nội dung tương tự kèm theo bản dịch ra tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật hoặc của đơn vị đăng ký nhập khẩu hoặc kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm tại Việt Nam cho thấy giống cây trồng an toàn với môi trường. Trường hợp thương nhân nộp bản sao chụp các loại giấy tờ trên mang theo bản chính để đối chiếu.

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Đặng Văn Cường thì dù trong trường hợp doanh nghiệp tặng cho giống cây trồng này thì lần đầu tiên nhập vào Việt Nam cũng là cây trồng thử nghiệm, không được phép trồng ở các dự án như thế này, vì vậy các cơ quan chức năng cần rà soát việc nhập khẩu các cây này đã phù hợp với pháp luật, đã nghiên cứu đánh giá và được phép của cơ quan có thẩm quyền hay chưa? Có sai phạm và thất thoát gì trong sự việc này hay không? Để tránh trường hợp nhập khẩu cây ngoại lai một cách ồ ạt mà không có đánh giá, kiểm định, gây lãng phí tiền của của nhà nước, tổ chức cũng như cá nhân./.