Trong chương trình của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, sáng nay (08/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trình bày tờ trình với Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Theo Báo cáo của Chính phủ, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, tính đến nay đã đạt được kết quả tốt trên các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai. Tuy nhiên, chương trình này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy, cần đầu tư công của quốc gia trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.

Tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, tác động trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta. Tệ nạn ma túy ở trong nước diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc không giảm và chiếm tỷ lệ đa số (chiếm 83,7%).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết các Chỉ thị, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng đánh giá công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trên cơ sở này, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Theo đó, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, với tổng nguồn vốn 22.450,194 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2025, thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình. Giai đoạn 2026-2030: triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.

Đại diện cho cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình này. “Tên gọi và thời gian thực hiện Chương trình theo đề xuất của Chính phủ là phù hợp. Việc dành năm 2025 chuẩn bị khung pháp lý, cơ chế chỉ đạo, điều phối, vận hành, chuẩn bị các nguồn lực đầu tư, tiêu chí và phương pháp quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình là cần thiết để bảo đảm việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trong giai đoạn 2026 - 2030”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấm mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá Chương trình phân công cho 08 bộ, ngành chủ trì thực hiện và Bộ Công an làm chủ Chương trình, Ủy ban nhân dân và các cơ quan liên quan tham gia thực hiện là hợp lý. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống ma tuý hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Trên cơ sở này, đại diện cho cơ quan thẩm tra, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, kinh phí, tăng cường vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong công tác phòng, chống ma tuý.

Từ thực tế và qua báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, tán thành với nội dung tờ trình và báo cáo của cơ quan thẩm tra. Bà cho rằng mỗi giai đoạn, tình hình buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy đều có biến động rất lớn. “Giai đoạn trước, một người vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy, khi cơ quan chức năng bắt được, chỉ tính trên gói nhỏ, tính bằng gam. Còn bây giờ, cơ quan chức năng bắt được, có những vụ tính bằng tấn rồi”, bà Kiến nêu thực tế.

Theo đại biểu Trần Kim Yến, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của cơ quan chức năng ngày càng nặng nề và khó khăn hơn trong công tác phòng chống ma túy. Chương tình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 đưa ra 3 nhóm mục tiêu, gồm giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại là phù hợp. Cùng với đó là các giải pháp và kinh phí thực hiện cho từng nhóm giải pháp, theo bà Yến, cũng rất khả thi và hiệu quả. “Chương trình cũng đưa ra các nhóm giải pháp và kinh phí cho từng nhóm giải pháp, có sự vào cuộc không chỉ của ngành công an hải quan trong việc chống buôn lậu, vận chuyển đến nước thứ ba, mà còn là của chính quyền các cấp trong việc này là rất tốt” bà Yến đánh giá.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tổng quát như đã nêu tại chương trình, bà Yến kiến nghị cần có thêm các giải pháp để giảm định kiến của xã hội đối với những người nghiện và người sau cai nghiện. “Tôi vẫn muốn cần thêm giải pháp, vì với người nghiện thì định kiến của xã hội và cơ hội tìm kiếm việc làm của đối tượng này rất cần thiết. Nếu định kiến xã hội xem một lần lầm lỗi là cuộc đời vứt bỏ thì sự trở lại hòa nhập của những người này là rất khó khăn. Hoặc sau khi họ cai nghiện mà không có việc làm thì nguy cơ tái nghiện là rất lớn. Do đó, các nhóm giải pháp này phải có sự kết hợp đồng bộ, định kiến của xã hội đối với người nghiện phải thay đổi”, bà Yến bày tỏ.