Theo các chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, Đồ án mới về quy hoạch phân khu nội đô Hà Nội đã thể hiện quyết tâm của Thủ đô để thay đổi và phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là giảm quy mô dân số, bảo tồn nét lịch sử văn hóa ở khu phố cổ của quận Hoàn Kiếm.

Với quyết tâm chính trị của chính quyền thành phố, việc phê duyệt cùng lúc 6 đồ án quy hoạch nội đô có thể coi là một sự kiện đáng ghi nhận.

Cách đây gần 20 năm, các quận nội thành Hà Nội cũng đã từng có quy hoạch chi tiết, nhưng vì lý do nào đó mà chưa được triển khai. Giờ đây, người dân Thủ đô lại “có thể mong đợi thêm” những tín hiệu tích cực từ Đồ án lần này, như chia sẻ của ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thi Việt Nam: “ Quy hoạch tác động tới đời sống của người dân và định hướng của phát triển Thủ đô trong tương lại nên nó cần có tính thực tế, chứ không chỉ đơn thuần là một bản vẽ. Vì vậy, tôi nghĩ người dân Hà Nội nên hi vọng thông qua Đồ án này, chúng ta sẽ có một định hướng rõ ràng, tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư thời gian tới cho Hà Nội”.

Có thể nói, Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được kỳ vọng là cơ hội để phục hồi, bảo vệ các công trình, di tích lịch sử và giúp người dân thoát khỏi cảnh “phố chật, sống chen chúc”. Nếu thực hiện theo Đồ án này, Hà Nội có thể giải quyết được bài toán giãn dân nội đô, nâng cấp cơ sở hạ tầng vốn đã lạc hậu, giải quyết được ách tắc giao thông, tăng thêm nhiều diện tích công cộng, cây xanh, xử lý được điểm nghẽn của công tác quy hoạch Hà Nội.

Theo ông Trần |Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nếu không có quy hoạch thì Thủ đô vẫn “ nhếch nhác” cho dù đã được mở rộng, vì vậy người dân cần đồng thuận, dẫu có phải di dời, để Hà Nội thực sự trở nên xanh, sạch, đẹp: “Những người dân sống ở quận Hai Bà Trưng, hay Hoàn Kiếm rất cần một không gian đô thị, nhưng thực tế lại rất “nhếch nhác”, bởi vì lâu nay chúng ta đâu có quy hoạch? Chúng ta cho xây mà không có quản lý, hoạch định vì thế người dân ở đây thiếu hẳn một không gian đô thị. Quy hoạch này sẽ làm rõ: ai đi? Ai ở? Đi như thế nào? Tôi tin thành phố sẽ có cách. Quan trọng là có một không gian đô thị, có thành phố chạy dọc bên sông, cải tạo để người dân có điều kiện tốt nhất. Tốt nhất để thành phố dành đất để cải tạo có một đô thị khang trang”- Ông Trần Ngọc Chính chia sẻ.

Áp lực dân số tại khu vực nội đô chính là một trong những yêu cầu cấp bách khiến Hà Nội phải thực hiện quy hoạch. Nếu tính từ khi đề án giãn dân phố cổ được phê duyệt (2013) thì đã qua gần 10 năm, nhưng Hà Nội vẫn chưa triển khai được. Theo đồ án lần này, Hà Nội dự kiến giảm 50% dân số của 4 quận nội đô từ 1,2 triệu dân xuống còn hơn 600 ngàn dân. Các chuyên gia cũng nhận định, liệu đây có phải là một phương án khả thi? Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến: “Cách đây 25 năm đã có đề án giãn dân và tôi nhớ lúc đó chúng ta chi một khoản ngân sách khá lớn cho chuyện này. Đã có những địa điểm như Việt Hưng bên Long Biên hay Ngọc Thụy Gia Lâm được bố trí để thực hiện giãn dân, nhưng chừng đó là chưa đủ. Trong vòng hơn 10 năm qua, nếu người dân trong khu phố cổ di dời mới chỉ được hơn 1.000 hộ mà con số cần giãn khoảng 2 vạn. Đó là một khó khăn lớn khi triển khai Đồ án lần này trong vấn đề giãn dân”.

Các chuyên gia quy hoạch đều chung nhận định, để đồ án quy hoạch thành công rất cần có sự quan tâm, phối hợp của nhiều Bộ, ban, ngành, nhưng quan trọng hơn vẫn là năng lực của các cơ quan chính quyền đô thị của Hà Nội. Việc xác định rõ vai trò của các cán bộ quản lý Hà Nội, trách nhiệm của người dân sẽ tạo nên thành công của đồ án. Nếu không đủ các thành tố này thì Đồ án mới cũng sẽ cũng chỉ là định hướng, chứ không thể trở thành hiện thực.