Theo báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội được thảo luận ngày 30/5 tại hội trường kỳ họp thứ 3 khóa XV, có tới 99% quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và tỉnh được duyệt nhiệm vụ. Nhưng tới bước lập quy hoạch thì chỉ có chỉ 7 trong số 111 quy hoạch được xem xét, phê duyệt, trong đó có 1 quy hoạch cấp quốc gia, 2 quy hoạch vùng, tỉnh và 4 quy hoạch ngành.

Một điểm đáng lưu ý là: ngay cả 7 trong tổng số 111 quy hoạch được phê duyệt thì cũng bộc lộ ngay những bất cập. Ví dụ như quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, dù đã được phê duyệt nhưng cũng chưa thể hiện rõ mối quan hệ với TP.HCM và vùng miền Đông Nam bộ.

Bốn quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải dù được đánh giá là khá khả quan nhưng cũng còn thiếu tính đồng bộ, kết nối của 5 phương thức vận tải. Các dự án quan trọng quốc gia trong 4 quy hoạch này chưa phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn 5 năm để gắn kết với các kế hoạch trung hạn, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch cũng đánh giá : Còn tồn tại nhiều cách hiểu chưa thống nhất về phương pháp lập quy hoạch tích hợp, trình tự lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch; chưa dự báo hết được những khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai.

Đây là nguyên nhân khiến việc lập, phê duyệt quy hoạch rất chậm. Hiện còn gần 94% quy hoạch chưa hoàn thành việc lập và phê duyệt, làm ảnh hưởng tới chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: “Trên thực tiễn vẫn còn một số tồn tại, bất cập liên quan tới công tác rà soát quy hoạch. Tính liên kết và đồng bộ giữa các quy hoạch chưa được thể hiện rõ. Đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Việc đảm bảo kinh phí cho công tác lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều khó khăn, chưa có hướng dẫn cụ thể về các nội dung chi cũng như thẩm quyền thực hiện thu, chi kinh phí thẩm định”.

Để hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị các cơ quan Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự phù hợp giữa các quy hoạch, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn nội dung mang tính chất khung của quy hoạch cấp trên để quy hoạch cấp dưới, quy hoạch cấp tỉnh tuân thủ. Đồng thời, có hướng dẫn xây dựng nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện đúng hướng, hạn chế việc chỉnh sửa nhiều lần trong quá trình lấy ý kiến thẩm định, các Bộ, ngành đối với quy hoạch” .

Trong báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cũng cho thấy, do việc lập quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn, điều chỉnh quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011-2020. Điều đó có nghĩa là, đang tồn tại song song và áp dụng đồng thời hai quy hoạch. Đoàn giám sát cũng lưu ý, việc lập đồng thời nhiều quy hoạch cùng một thời điểm trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn.

Một thực tế nữa được nêu ra là số lượng cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia hội đồng thẩm định còn thiếu. Bên cạnh đó chưa có cơ sở dữ liệu lập quy hoạch... Từ đó, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, chất lượng lập, phê duyệt các quy hoạch.

Trước những bất cập khiến việc lập quy hoạch "tắc", đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ, quy định rõ khái niệm và phương pháp tích hợp quy hoạch, quy trình lập quy hoạch cấp quốc gia, vùng và tỉnh, nhằm bảo đảm phương pháp tích hợp trong lập quy hoạch. Đoàn giám sát kiến nghị cho Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và vùng chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng. Việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ, phê duyệt các quy hoạch cho tới khi luật Quy hoạch được sử đổi.

Bên cạnh đó, đoàn giám sát cho rằng cần lập đồng thời các quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn, theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch. Việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sẽ được thực hiện theo quy trình rút gọn...

Về giải pháp dài hạn, đoàn giám sát cũng như nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ cần rà soát sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Quy hoạch, các luật liên quan và các văn bản hướng dẫn.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định): “Quy hoạch thì điều quan trọng nhất là tính tổng thể. Tất cả các cấp đều cần tổng thể, tổng thể quốc gia, tổng thể vùng, tổng thể ngành và tổng thể địa phương. Trung ương và địa phương cũng phải có sự thống nhất với nhau một cách đầy đủ chi tiết. Và Chính phủ phải là nhạc trưởng, chịu trách nhiệm chủ trì cũng như giám sát. Nếu các địa phương, hay các ngành làm riêng rẽ rất dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, bất cập. Nhưng khi có vai trò của Chính phủ thì sẽ có sự kết hợp và trao đổi được thông tin, giải quyết được những vấn đề mâu thuẫn về quy hoạch trong quá trình triển khai”.

Còn đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) bày tỏ: “Bài toán quy hoạch hiện tại đang bộn bề nút thắt cần phải tháo gỡ. Trong đó, 2 vấn đề lớn là thủ tục và sự đồng bộ. Trước tình trạng cứ đợi quy hoạch cấp quốc gia để xem có phù hợp với mình không, thì cần phải điều chỉnh, cần phải gỡ ngay. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là thực hiện với một tinh thần trách nhiệm cao và đánh giá một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là đội ngũ tư vấn và chuyên môn. Thà chúng ta làm chậm mà chắc, còn hơn là làm nhanh cho đạt chỉ tiêu được giao rồi lại điều chỉnh. Quy hoạch mang tính chất là “bà đỡ”, là “đường ray” cho “đoàn tàu” kinh tế vận hành. Nếu “đường ray” không chắc chắn thì không thể vận hành đoàn tàu được”.